Tải App trên Android

Thưởng Tết Âm lịch, Dương lịch 2021: Giải đáp 06 thắc mắc

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
30/12/2020 08:06 AM

Thời gian qua, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhận được rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề thưởng Tết Âm lịch, Dương lịch năm 2021 như "Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết cho NLĐ?", "Thưởng Tết có phải đóng BHXH, thuế TNCN?"...

Giải đáp các thắc mắc về thưởng Tết Âm lịch, Dương lịch năm 2021

Thưởng Tết Âm lịch, Dương lịch năm 2021 (ảnh minh họa)

Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT sẽ lần lượt giải đáp như sau:

1. Doanh nghiệp được thưởng Tết bằng hiện vật?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở theo nguyên tắc:

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

Như vậy, đối với khoản thưởng Tết, NLĐ có thể được nhận tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác theo quy chế đã công bố của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết cho NLĐ?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp trong mọi trường hợp.

Khoản thưởng được đưa ra căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, vì vậy:

- NLĐ sẽ được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng Tết, thỏa ước lao động tập thể và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của NLĐ.

- Doanh nghiệp cũng có quyền không thưởng tết cho NLĐ nếu kinh doanh không có lãi hoặc NLĐ không hoàn thành công việc được giao, nhất là năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

3. Khoản thu nhập từ thưởng Tết có phải đóng thuế TNCN?

Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập của NLĐ từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong đó bao gồm các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức.

Do đó: Khoản thu nhập của NLĐ từ thưởng Tết là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

4. Khoản thu nhập từ thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội?

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó:

- Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của NLĐ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

Do đó: Tiền thưởng Tết của NLĐ làm việc tại doanh nghiệp không được tính làm căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc.

5. Khoản thưởng Tết cho NLĐ có được tính chi phí được trừ của doanh nghiệp?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì khoản tiền thưởng Tết cho cho NLĐ nếu đã được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau đây thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Hợp đồng lao động;

- Thoả ước lao động tập thể;

- Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;

- Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

6. NLĐ cần làm gì để không bị mất thưởng Tết?

Để tránh mất tiền thưởng Tết, NLĐ cần đảm bảo mình làm việc tốt, không vi phạm pháp luật, quy định của công ty… nhằm tránh bị sa thải, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian gần hết năm.

Cụ thể, NLĐ cần tránh vi phạm các lỗi sau đây:

**Lỗi có thể bị sa thải: (Điều 125 Bộ luật Lao động 2019)

+ Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

+ Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

+ Nếu đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức thì cần tái phạm nếu còn trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

+ Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

**Lỗi có thể bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: (Điều 36 Bộ luật Lao động 2019)

+ Thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.

+ Không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định về trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng.

+ Tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

+ Cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,978

Bài viết về

Lịch nghỉ Lễ, Tết năm 2021

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]