Công ty nợ tiền bảo hiểm, thẻ BHYT có còn giá trị sử dụng?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
26/11/2020 09:50 AM

Đây là thắc mắc chung của nhiều người lao động (NLĐ) khi đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, không đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đúng hạn. Bài viết sau đây sẽ giải đáp vướng mắc này như sau:

BHYT

Công ty nợ tiền bảo hiểm, thẻ BHYT có còn giá trị sử dụng? (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng số tiền đóng BHYT theo quy định, trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi.

Như vậy, trong trường hợp công ty nợ tiền BHYT thì thẻ BHYT sẽ không có giá trị sử dụng và NLĐ phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong thời gian thẻ BHYT không thể sử dụng.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

- Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.

- Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian không thể sử dụng thẻ BHYT.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, NSDLĐ không đóng, chậm đóng, trốn đóng BHYT còn có thể bị xử lý hành chính với các mức phạt tiền như sau:

- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, khi vi phạm dưới 10 NLĐ;

- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm từ 10 đến dưới 50 NLĐ;

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm từ 50 đến dưới 100 NLĐ;

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm từ 100 đến dưới 500 NLĐ;

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm từ 500 đến dưới 1.000 NLĐ;

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, khi vi phạm từ 1.000 NLĐ trở lên.

Lưu ý:

Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Căn cứ pháp lý:

- Khoản 9 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018;

- Khoản 28 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014;

- Khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020;

- Khoản 2 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020.

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,213

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn