Nghỉ việc 14 ngày trở lên trong tháng có phải đóng BHXH, BHYT?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
10/11/2020 09:44 AM

"Trường hợp NLĐ nghỉ việc không lương, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và người sử dụng lao động có phải đóng BHXH, BHYT không?" - Đây là thắc mắc của bạn Nhật Anh (Email: nhatanh****@gmail.com).

Nghỉ việc 14 ngày trở lên trong tháng có phải đóng BHXH, BHYT?

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tại Khoản 4, 5 và 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định:

4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.

Như vậy, sẽ có các trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: NLĐ nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng và vẫn hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì NLĐ và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT theo quy định.

- Trường hợp 2: NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH, BHYT; nhưng NLĐ sẽ vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

- Trường hợp 3: NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và người sử dụng lao động:

+ Không phải đóng BHXH; nhưng thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH để tính hưởng BHXH đối với NLĐ.

+ Không phải đóng BHYT, mà cơ quan BHXH sẽ đóng BHYT cho NLĐ.

- Trường hợp 4: NLĐ nghỉ việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH; thời gian này không được tính để hưởng BHXH đối với NLĐ.

>>> Xem thêm: Người lao động giúp việc gia đình có được tham gia BHXH không? Phương thức đóng và mức đóng BHXH tự nguyện được quy định thế nào?

Rút tiền BHXH 1 lần thay vì hưởng lương hưu: nên hay không? Những hạn chế khi lựa chọn hưởng BHXH 1 lần?

Tham gia đóng BHXH tự nguyện phải tham gia bao lâu thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu? Người đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?

 

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 254,816

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]