Các văn bản giao dịch về nhà, đất phải công chứng, chứng thực mới có giá trị

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
19/06/2020 11:00 AM

Căn cứ Bộ luật dân sự 2015, Luật Đất đai 2013Luật Nhà ở 2014 thì nhiều trường hợp văn bản giao dịch liên quan đến đất đai, nhà ở bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực theo quy định mới có hiệu lực (nếu không sẽ bị vô hiệu), cụ thể như sau:

Các văn bản giao dịch nhà, đất phải công chứng, chứng thực

Các hợp đồng về nhà, đất phải công chứng, chứng thực (Ảnh minh họa)

1. Các văn bản giao dịch liên quan đến đất đai phải công chứng, chứng thực

Căn cứ Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì những văn bản giao dịch liên quan đến đất đai sau đây phải công chứng, chứng thực:

(1) Các hợp đồng liên quan đến đất đai sau đây:

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

- Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, trường hợp một bên hoặc các bên tham gia hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

(2) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Các văn bản giao dịch liên quan đến nhà ở phải công chứng, chứng thực

Căn cứ Điều 122 Luật Nhà ở 2014 thì những văn bản giao dịch liên quan đến nhà ở sau đây phải công chứng, chứng thực:

(1) Các hợp đồng liên quan đến nhà ở sau đây:

- Hợp đồng mua bán nhà ở.

- Hợp đồng tặng cho nhà ở.

- Hợp đồng đổi nhà ở.

- Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở.

- Hợp đồng thế chấp nhà ở.

- Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

(2) Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,315

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn