Đối thoại với người lao động: Cần thiết nhưng cần điều chỉnh

20/10/2017 09:59 AM

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH BB&NU (TP.HCM) đề nghị có hướng dẫn cụ thể quy định về đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và nội dung chi tiết của hợp đồng lao động để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Khoản 1, Điều 65 Bộ luật Lao động 2012 quy định đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động với người sử dụng lao động do người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức định kỳ 3 tháng/lần. Công ty Luật TNHH BB & NU muốn biết, quy định này có áp dụng đối với các doanh nghiệp dưới 10 người lao động không?

Theo ý kiến Công ty, việc các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chưa thành lập công đoàn tại cơ sở hoặc đã thành lập công đoàn tại cơ sở việc tổ chức đối thoại định kỳ sẽ không phù hợp và mất nhiều thời gian, trừ trường hợp người lao động có yêu cầu tổ chức đối thoại.

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hầu như không tổ chức đối thoại định kỳ, do quy mô nhỏ nên các xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động thường được giải quyết trực tiếp và ngay lập tức.

Liên quan đến vấn đề hợp đồng lao động, sau khi nghiên cứu Khoản 7 và Khoản 9, Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Công ty đề nghị giải đáp, nội dung hợp đồng lao động giao kết giữa người sử dụng lao động và người lao động có bắt buộc phải liệt kê chi tiết những ngày được nghỉ phép hay chỉ quy định chung tổng số ngày được nghỉ phép trong năm? Phải quy định cụ thể tỷ lệ % đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động hay chỉ quy định là căn cứ theo quy định của pháp luật?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Một số quy định còn chưa phù hợp với DN dưới 10 lao động

Về đối thoại định kỳ: Theo quy định tại Điều 63 Bộ Luật Lao động năm 2012, Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thì người sử dụng lao động quy định tại khoản 3, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2012 thuộc đối tượng áp dụng các quy định về đối thoại tại nơi làm việc, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Trách nhiệm, thành phần tham gia, quy trình thực hiện đối thoại định kỳ (3 tháng/lần) thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 nêu trên.

Như vậy, đối thoại tại nơi làm việc là rất cần thiết, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp và theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp có dưới 10 lao động thuộc đối tượng áp dụng các quy định về đối thoại tại nơi làm việc, bao gồm cả đối thoại định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định về quy trình thủ tục còn chưa phù hợp, đặc biệt đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động nên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xin ghi nhận đề nghị của Quý công ty để nghiên cứu và kiến nghị trong sửa đổi Bộ luật Lao động sắp tới.

Hợp đồng lao động cần có đủ nội dung

Về nội dung của hợp đồng lao động: Theo quy định tại điểm g và điểm I Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động thì hợp đồng lao động phải có nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; BHXH và BHYT.

Theo hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015 thì tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tư nhân vi phạm các quy định pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Kéo dài ca làm việc quá 8 giờ không cần thỏa thuận, giảm giờ nghỉ giữa ca; huy động công nhân làm việc cả 7 ngày trong tuần. Một số doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian lao động của công nhân bằng cách đưa ra định mức lao động quá cao, buộc người lao động phải làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày mới xong, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người lao động.

Đồng thời, theo số liệu của BHXH Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động khá phổ biến, xảy ra ở tất cả các địa phương. Tính đến thời điểm 30/11/2014, số nợ BHXH là gần 11.115 tỷ đồng, bằng 6,3% so với tổng số phải thu, tăng 455 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Con số này liên tục tăng mạnh trong những năm qua, trong khi cuối năm 1997, nợ bảo hiểm chỉ vào khoảng 307 tỷ đồng.

Xuất phát từ căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, Khoản 7 và Khoản 9 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ đã quy định cụ thể về nội dung thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và BHXH, BHTN, BHYT.

Quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng thời, nâng cao ý thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc chấp hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và BHXH, BHYT, BHTN. Khi năng lực thỏa thuận của người lao động được cải thiện, Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,384

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn