Hiểu thế nào là đúng về nền kinh tế thị trường trong giai đoạn mới

15/06/2017 14:03 PM

Ngày 03/6/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường Việt Nam định hướng XHCN.

Theo đó,  trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Dựa trên đó, Đảng ta đặt mục tiêu theo 2 giai đoạn:

Đến năm 2020, phấn đấu hoàn thiện một bước đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đến năm 2030, hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Để đạt được mục tiêu này, Đảng đã đưa ra các biện pháp nhằm hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách bao gồm:

Hoàn thiện thể chế về sở hữu

Cần hoàn thiện pháp luật về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên; quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đầu tư vốn nhà nước, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công; sở hữu trí tuệ, hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự. Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Hoàn thiện thể chế phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp

Nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật.

Tạo thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo Nghị quyết 10-NQ/TW. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng về kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện thể chế của Nhà nước

Đổi mới phương thức đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đã được chỉ rõ tại Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 30/10/2016.

Hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hân Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,201

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]