Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi): Nhiều quy định mới gây tranh luận

24/10/2016 09:32 AM

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình QH cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 2. Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hồ sơ dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, bổ sung nhiều quy định mới. Tuy vậy, nhiều quy định mới của dự thảo Luật đang gây ra những tranh luận trái chiều.

Dự thảo Luật Đường sắt gồm 9 chương, 95 điều (thêm 1 chương, giảm 19 điều so với Luật hiện hành). Trong đó, chỉ có 4/114 điều được giữ nguyên (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung 65/114 điều (chiếm 57%); bãi bỏ 45/114 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới 26 điều.

Nhà nước quản lý những gì?

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật là đã quy định rõ các nội dung quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải, một số bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong hoạt động đường sắt.

Theo Ban soạn thảo, Luật Đường sắt năm 2005 hiện mới chỉ đưa ra nguyên tắc phân định công tác quản lý của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tách bạch được hai hoạt động này, chưa làm rõ các nội dung quản lý. Nhiều ĐBQH cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường sắt. Do vậy, tại Điều 8, Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã quy định 15 nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư; quản lý việc sử dụng đất dành cho đường sắt; tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đối với đường sắt quốc gia.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần làm rõ nội hàm của Điều 8. Đặc biệt, không đánh đồng giữa nội dung quản lý nhà nước với những hoạt động nhà nước phải thực hiện với tư cách là chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu tài sản để thực hiện quyền quản lý của mình. Việc Nhà nước thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản không có nghĩa là cơ quan nhà nước tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng, khái niệm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo Khoản 27 Điều 3 của dự thảo Luật là “một, một số hoặc toàn bộ hoạt động đầu tư, sử dụng, bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt”. Vì vậy, doanh nghiệp có thể hiểu rằng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt vì cơ quan quản lý nhà nước có thực hiện hoạt động cho thuê đất.

Hơn nữa, dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể nội dung “tổ chức quản lý”, “tổ chức bảo trì”, “tổ chức bảo vệ” kết cấu hạ tầng, chưa xác định phương thức cơ quan quản lý nhà nước tổ chức quản lý tài sản, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, cũng như chưa xác định rõ hoạt động nào do Nhà nước thực hiện, hoạt động nào do doanh nghiệp tiến hành. “Vì vậy, quy định việc giao cho cơ quan quản lý nhà nước “tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt” mà hiện đang được giao cho doanh nghiệp đường sắt triển khai, cần được cân nhắc thận trọng, chỉ nên quyết định sau khi đánh giá tác động, nêu rõ các phương án, tác động của từng phương án và các phương pháp giải quyết, đặc biệt cần làm rõ những phát sinh về bộ máy, về nhân lực khi cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ này cũng như tác động đến doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng”, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ quan điểm.

Tranh luận về quyền kinh doanh đường sắt

Dự thảo Luật cũng dành riêng một chương quy định về kinh doanh đường sắt. Nội dung này đang gây những tranh luận trái chiều. Ví dụ, tại Khoản 2, Điều 54 quy định: “Doanh nghiệp được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư không được trực tiếp kinh doanh hoặc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp vận tải đường sắt trên tuyến đường sắt được giao”. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, các thành viên của Ủy ban có hai luồng quan điểm về quy định này.

Cụ thể, một số đồng ý với quy định như dự thảo Luật nhằm bảo đảm mục tiêu tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải đường sắt. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, quy định như dự thảo Luật là hạn chế quyền tham gia kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời dẫn đến dễ tăng chi phí vận hành và sự thiếu thống nhất trong điều hành giao thông vận tải... “Nhóm ý kiến này đề xuất bỏ Khoản 2, Điều 54”, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để cân nhắc quy định cho phù hợp với thực tiễn 135 năm đường sắt Việt Nam và những bài học đã phải trả giá trong vấn đề này của quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc tách bạch tuyệt đối theo Khoản 2, Điều 54 dự thảo Luật sẽ nảy sinh mâu thuẫn với đề xuất về mô hình nhượng quyền khai thác tuyến trong dự thảo (khai thác tuyến là hình thức kinh doanh đường sắt tích hợp, bao gồm kinh doanh vận tải và kinh doanh hạ tầng trên toàn tuyến). Đồng thời, sự tách bạch này đã nói lên sự mâu thuẫn nội tại trong dự thảo Luật về môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp...

Đặc biệt cân nhắc Khoản 2, Điều 54

“Cần đặc biệt cân nhắc Khoản 2, Điều 54 của dự thảo Luật quy định: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt không được trực tiếp kinh doanh hoặc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Bởi lẽ, quy định này xung đột với quy định của Luật Doanh nghiệp về hoạt động tự do kinh doanh, đồng thời sẽ phải chuyển đổi tổ chức Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo hướng chuyển toàn bộ vốn đầu tư của Tổng công ty tại các doanh nghiệp vận tải cho doanh nghiệp khác nắm giữ; Chuyển các xí nghiệp đầu máy cho các doanh nghiệp khác…

Thực tiễn quốc tế cũng cho thấy, các hệ thống đường sắt ASEAN và đường sắt các nước có điều kiện tương đồng với đường sắt Việt Nam đều không phân tách triệt để giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải để bảo đảm đặc thù của một ngành kinh tế kỹ thuật là hạ tầng và vận tải cần gắn kết với nhau mới kinh doanh vận tải có hiệu quả và an toàn.

Nói cách khác, cần đánh giá tác động mô hình tổ chức quản lý và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt Việt Nam, cũng như kinh nghiệm quốc tế trước khi quyết định đưa Khoản 2, Điều 54 vào nội dung dự thảo Luật để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam và với quy định của Luật Doanh nghiệp”.

TS. Nguyễn Minh Phong

 

Hà Lan

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,973

Bài viết về

Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn