Đề nghị chưa thông qua dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi

27/10/2016 08:15 AM

Trong phiên thảo luận hôm nay (26/10), tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đa số đại biểu tán thành quan điểm phải sửa đổi một cách triệt để, toàn diện và cần có thêm thời gian để hoàn thiện trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường

Khẳng định tính chất đặc biệt quan trọng, tầm ảnh hưởng tới đời sống - xã hội của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, bà rất chia sẻ với Ban soạn thảo về mức độ khó, phức tạp của Bộ luật Hình sự; đây là đạo luật lớn, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước. Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng của mọi công dân và quyền bình đẳng giữa các đồng bào dân tộc, bảo vệ lợi ích của nhà nước và bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội. Đồng thời, Bộ luật Hình sự còn mang tính giáo dục để mọi người có ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm... Vì vậy, theo đại biểu Xuân, nếu để xảy ra sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường và mang tính lâu dài.

Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn Đắk Lắk bày tỏ quan điểm nhất trí với ý kiến thứ hai trong tờ trình của dự án luật là cần phải khắc phục tối đa những sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và thậm chí phải sửa đổi triệt để, căn bản, toàn diện những quy định chưa hợp lý của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm xây dựng một Bộ luật có tính khả thi cao, sát với thực tiễn và có tính ổn định lâu dài.

“Về việc sửa đổi bổ sung Bộ luật cần phải thận trọng, tránh tình trạng sau khi được sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót bất cập không áp dụng được trên thực tế. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội không nhất thiết phải thông qua dự thảo luật trong kỳ họp thứ hai mà cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện để khi nào dự án luật thật sự tốt, đảm bảo chất lượng thì mới thông qua” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu đề nghị cần có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) nêu ý kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến nhiều luật nên cần phải có sự nghiên cứu của các cơ quan chuyên ngành và thống nhất cao giữa các ngành, như: các vấn đề liên quan đến định lượng, về mức độ ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm; giám định hàm lượng ma túy; vũ khí, quân dụng hoặc các loại vũ khí có tính năng tác dụng như vũ khí quân dụng... Hơn nữa, theo đại biểu Lan, qua thảo luận ở tổ còn một số những vấn đề khác nhau, nên đề nghị cơ quan soạn thảo dành thêm thời gian rà soát kỹ, lấy ý kiến chuyên gia, các ngành liên quan, nhất là các cơ quan tư pháp để hoàn thiện toàn diện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào đầu năm 2017.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều. Theo đại biểu Cương, không nên chỉ xem xét, sửa đổi trong phạm vi 141 điều vì thực tế qua rà soát sẽ phát sinh thêm những điều khác, có liên quan với nhau cần phải sửa đổi. Do đó, nên thực hiện theo nguyên tắc loại bỏ hết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự sau khi ban hành.

Trước đó, qua thẩm tra cũng như tại các phiên thảo luận, có 2 cách tiếp cận khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015. Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng, trên cơ sở kết quả rà soát Bộ luật Hình sự năm 2015 của Tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và với quy mô của một Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì nên xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung lần này là: Sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự.

Cách tiếp cận thứ hai là: cần phải sửa đổi triệt để, toàn diện Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, ngoài những điều khoản đã được phát hiện có sai sót về kỹ thuật, các nội dung có sự bất hợp lý đã đạt được sự đồng thuận cao thì cần tiếp tục rà soát để có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Qua thảo luận tại Hội trường hôm nay ghi nhận, phần lớn đại biểu tán thành với cách tiếp cận thứ hai và cho rằng, cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, khi nào dự thảo Luật được đánh giá đáp ứng được yêu cầu, Quốc hội mới xem xét, thông qua.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật. Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 cùng với 03 luật khác có liên quan; đồng thời, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ 2.

 

Hoàng Châu

Theo Báo Công Thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,522

Bài viết về

Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn