Dự án BLHS 2015 (sửa đổi): Vẫn còn “khoảng trống” pháp luật về tội phạm môi trường

30/09/2016 08:20 AM

Còn nhiều “khoảng trống” pháp luật với loại tội phạm về môi trường, làm rõ cách phân loại tội phạm với pháp nhân thương mại là 2 vấn đề lớn được đề cập tại phiên họp thứ 3 UBTP Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của BLHS 2015 vừa qua.

Phân loại pháp nhân thương mại

Dự thảo BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Theo đó, dự thảo bổ sung vào Điều 85 của BLHS năm 2015 quy định về việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội. Trong đó có hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; bổ sung quy định về xóa án tích cho pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực; bổ sung quy định về phân loại tội phạm, đồng phạm, phạm tội có tổ chức, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Thẩm tra Dự thảo, nhiều ý kiến tán thành với việc phân loại và bổ sung những quy định này, bởi có thể lấy đó làm căn cứ trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử... đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Việc phân loại theo như vậy sẽ rất thuận tiện, khoa học, chỉ cần dẫn chiếu sang các khoản cụ thể áp dụng đối với cá nhân trong điều luật đó và quy định về hình phạt.

Sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung do Fomorsa gây ra

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho rằng, việc phân loại vẫn còn những bất cập, chưa đầy đủ và khó áp dụng trong thực tế vì hình phạt đối với pháp nhân thương mại không có hình phạt tù. Dự thảo BLHS quy định xử lý tội phạm hình sự đối với pháp nhân thương mại, nhưng tên gọi này chưa phù hợp bởi trong xu hướng hội nhập hiện nay, đất nước có nhiều pháp nhân của nước ngoài vào hoạt động, làm việc, kinh doanh...

Ông Chiến cho rằng không nên quy định cụ thể là pháp nhân thương mại mà nên loại trừ những pháp nhân không xử lý hình sự. Vì nếu nước ngoài không gọi tên là pháp nhân thương mại nhưng họ vi phạm khi hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và cần thiết phải xử lý về hình sự, trong khi chúng ta lại quy định trong Bộ luật Hình sự chỉ xử lý pháp nhân thương mại thì sẽ không xử lý được những loại pháp nhân này.

Còn theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, chúng ta cần học tập kinh nghiệm quốc tế trong xử lý pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời phải xây dựng trên quan điểm “tạo điều kiện khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng phải xử lý nghiêm đối với pháp nhân phạm tội”.

Về cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như thế nào cho phù hợp, Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng dự thảo Luật chỉ đề cập đến hình phạt tù, nhưng lại áp dụng cho pháp nhân thương mại, trong khi đó hình phạt đối với pháp nhân thương mại lại không có hình phạt tù. Bên cạn đó, hình phạt tiền đối với cá nhân mức độ rất nhẹ, tính chất mà pháp nhân thương mại vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thì gây hậu quả đặc biệt lớn và số tiền cũng rất lớn, lớn hơn nhiều so với cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần rà soát kỹ sai sót về mặt kỹ thuật dẫn đến các điều luật không thống nhất trong Bộ luật. Vì đây là Bộ luật lớn, rất quan trọng, là công cụ hữu hiệu sắc bén của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tội phạm,

Hình phạt đối với tội gây ô nhiễm môi trường chưa tương xứng

Điều 235 BLHS 2015 quy định “Tội gây ô nhiễm môi trường” với các mức định lượng cụ thể đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường đối với chất thải rắn, nước thải, chất phóng xạ, bụi, khí thải… làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Tại khoản 1 Điều 235 BLHS 2015 quy định các hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy trái quy định củapháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chỉ xử phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ TN&MT, mức định lượng quy định như vậy là quá cao, sẽ không xử lý hình sự được những tổ chức, cá nhân vi phạm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra khá rộng rãi và phức tạp. Bà Hoa cho biết thêm, hiện trong quá trình soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS có nhiều quan điểm cho rằng cần giảm định lượng tối thiểu đối với các hành vi xả thải, chôn lấp, đổ thải ra môi trường nhằm bảo đảm xử lý trách nhiệm hình sự được trên thực tế. Để làm được việc này cần có sự nghiên cứu kỹ cơ sở khoa học nào để xác định mức định lượng tối thiểu và các hậu quả của việc thay đổi định lượng này.

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cũng nhận định, hình phạt này quá nhẹ, sẽ không đảm bảo tính răn đe đối với loại tội phạm này. “Tội phạm môi trường hiện đang là vấn đề rất nóng, rất bức xúc. Vi phạm thì tràn lan mà thực tế xử lý rất hạn chế. Ngay trong báo cáo của Bộ Công an cho thấy, xử lý tội phạm về môi trường rất ít ỏi, không đủ sức răn đe”, bà Khánh cho biết.

Giải trình thêm vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nêu, dự thảo BLHS 2015 trước đây khi Chính phủ trình ra, mức định lượng còn cao hơn so với bây giờ. Sở dĩ có mức cao như vậy vì dựa trên một nghị định của Chính phủ năm 2013. Và, từ thực tế vụ Vedan gây ô nhiệm môi trường, tổng công suất xả thải của nhà máy mỗi ngày khoảng 5.000m3 nhưng dự thảo lúc đó quy định ở mức 9.000 hay 12.000m3. Sau khi có ý kiến trả lời từ các cơ quan chức năng, dự thảo đã điều điều chỉnh xuống mức thấp  như hiện nay.

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là vẫn còn nhiều “khoảng trống” trong việc định lượng ở một số điều khoản về tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tội trộm cắp tài sản dẫn đến việc khó khăn trong áp dụng pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, pháp luật hình sự không chỉ mang tính vạch trần, trừng trị mà còn phải phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, vì vậy rất cần phải quy định chặt chẽ, cụ thể ở những loại tội phạm này. Bởi khi tội phạm hoành hành, nếu luật không xử lý, cơ quan công quyền không giải quyết được sẽ nảy sinh luật rừng, tự xử thì hậu quả khôn lường. Bắt tên ăn trộm, ăn cắp đưa lên Công an nhưng lập tức phải thả ra ngay vì hành vi đó chưa đến mức độ phạm tội. Điều đó khiến người dân mất lòng tin, nghĩ khác về Công an, về bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, những trường hợp trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng vẫn có thể xử lý được. Điều 173 của Bộ luật đã quy định nếu trộm tài sản dưới 2 triệu đồng mà rơi vào 1 trong 4 trường hợp thì vẫn xử lý hình sự. Đó là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Quốc Huy

Theo Báo Công lý

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,308

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn