Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn Công ty như sau:
Thời gian làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm cả thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật BHXH. Thời gian người lao động đã tham gia BHTN bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng BHTN theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN theo quy định của pháp luật. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.
Như vậy, trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà có thời gian không tham gia BHTN do nghỉ ốm hoặc nghỉ hưởng chế độ thai sản từ đủ 1 tháng trở lên thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian nêu trên.
Về tham gia BHTN đối với thời gian thử việc
Theo quy định tại Luật BHXH (2006, 2014) thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên (từ ngày 1/1/2018 là hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên) thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo quy định tại Điều 26, Điều 27 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc phải có các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này, không bao gồm nội dung về BHXH và BHYT.
Căn cứ quy định trên thì thời gian thử việc theo hợp đồng thử việc, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Về việc chi trả tiền đóng BHXH, BHYT cùng lúc với kỳ trả lương
Theo quy định của pháp luật về BHXH thì việc tham gia BHXH thực hiện theo tháng, không quy định tham gia theo ngày. Tại khoản 3 Điều 85 của Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.
Theo khoản 3 Điều 186 của Bộ luật Lao động thì đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.
Về tiền lương tính trả tiền làm thêm giờ, tiền nghỉ lễ, nghỉ phép
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 của Bộ luật Lao động thì tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Vì vậy, tiền lương làm căn cứ để trả các chế độ cho người lao động như làm thêm giờ, tiền nghỉ phép, nghỉ lễ là tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.