Tháng 8/2015, ông Kiều bị ốm phải nẳm viện điều trị 5 ngày, bộ phận kế toán đã trừ 5 ngày công của ông vào 2 khoản phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm (không bị trừ phụ cấp điện thoại).
Ông Kiều hỏi, việc trừ tiền lương và phụ cấp khi ốm đau như vậy đối với hợp đồng lương tháng có đúng không? Có vi phạm thỏa thuận cam kết trong hợp đồng lao động đã ký kết không ?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Chung Quốc Kiều như sau:
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động;
- Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;
- Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động (trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động).
Theo ông Chung Quốc Kiều trình bày thì tiền lương một tháng công ty trả cho ông Kiều theo hợp đồng lao động bao gồm tiền lương cơ bản 8 triệu đồng và 2 khoản phụ cấp có tính chất tiền lương là phụ cấp chức vụ giám đốc nhân sự 5 triệu đồng và phụ cấp trách nhiệm 1,5 triệu đồng, tổng cộng là 14,5 triệu đồng (riêng khoản phụ cấp điện thoại 0,5 triệu đồng dùng để điều hành sản xuất kinh doanh không phải là phụ cấp có tính chất tiền lương).
Trong tháng 8/2015, ông Kiều bị ốm phải nhập viện điều trị, nghỉ việc 5 ngày. Do ông Kiều không đi làm, nên công ty không phải trả lương 5 ngày nghỉ ốm đó.
Theo điểm c, Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, tiền lương trả cho một ngày làm việc được xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn.
Nếu số ngày làm việc bình thường của doanh nghiệp lựa chọn là 26 ngày công, thì tiền lương trong tháng có 5 ngày nghỉ ốm của ông Kiều tính như sau:
(8.000.000 đồng + 5.000.000 đồng + 1.500.000 đồng) / 26 ngày công x (26 ngày – 5 ngày nghỉ ốm) = 11.711.538 đồng.
Như vậy tiền lương, thu nhập bị mất của ông Kiều trong 5 ngày nghỉ ốm bao gồm cả lương cơ bản, phụ cấp chức vụ giám đốc nhân sự và phụ cấp trách nhiệm. Việc công ty không trả lương cho ông Kiều trong 5 ngày nghỉ ốm, bao gồm phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm là phù hợp với hình thức trả lương mà công ty và ông Kiều đã ký kết trong hợp đồng lao động.
5 ngày nghỉ ốm ông Kiều được hưởng trợ cấp ốm đau do BHXH chi trả. Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng BHXH.
Thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp chia tiền lương của người lao động ra nhiều khoản như: tiền lương cơ bản, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Chỉ dùng tiền lương cơ bản tháng (chưa đúng, đủ thu nhập thực tế của người lao động) làm cơ sở đóng BHXH bắt buộc. Do đó khi người lao động mất thu nhập do nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, thai sản… chỉ được hưởng chế độ trợ cấp BHXH theo mức tiền lương tháng đóng BHXH thấp hơn so với tiền lương, thu nhập thực tế.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1/1/2016, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ