“Thượng đế” khốn khổ

14/03/2015 08:42 AM

“Tôi đã theo đuổi vụ việc này hơn 3 năm. Công sức, tiền bạc và những tổn thất tinh thần 3 năm qua chắc đã vượt quá số tiền mà nếu thắng kiện tôi sẽ đòi được!” là tâm sự của bà Nguyễn Mỹ Linh (ngụ quận 9, TP HCM) khi được hỏi về hành trình đòi trả lại 31 món nữ trang để lấy lại hơn 400 triệu đồng tiền mua hàng của mình.

Cuối năm 2012, bà Linh phát hiện bộ sưu tập nữ trang cao cấp mua từ Công ty TNHH I. (trụ sở tại quận 1, TP HCM) có nhiều nghi vấn về chất lượng. Ngoài những biểu hiện bên ngoài như các hạt đính kèm dễ bị rơi rụng, xỉn màu thì bà đã tự bỏ tiền ra để kiểm định tuổi vàng với kết quả có đến 2/3 sản phẩm không đủ tuổi. Những tưởng với kết quả này, bà có thể yêu cầu bên bán thu hồi sản phẩm, trả lại toàn bộ tiền đã mua nhưng không phải vậy.

Bà Linh và những chứng cứ cho vụ kiện bà theo đuổi 3 năm qua

Dùng dằng suốt nhiều tháng, bà Linh nộp đơn đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM nhờ giải quyết nhưng phía bán hàng không đến làm việc. Tháng 8-2013, bà Linh được Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP tư vấn khởi kiện tại TAND quận 1 với hướng dẫn sẽ không phải đóng tạm ứng án phí theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ tháng 7-2011).

Tuy nhiên, phía tòa án lại cho rằng đây là vụ kiện dân sự nên chỉ thụ lý khi bà Linh đóng tạm ứng án phí theo quy định. Sau nhiều nỗ lực can thiệp bất thành của Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, tháng 3-2014, bà Linh phải chấp nhận nộp hơn 10 triệu đồng tiền tạm ứng án phí để theo đuổi vụ kiện thì phát sinh chuyện công ty nữ trang chuyển trụ sở sang quận 7.

“Hiện TAND quận 7 đang thụ lý vụ kiện, tôi cũng chưa biết bao giờ mới đưa ra xét xử vì trình tự thủ tục pháp lý quá rắc rối nhưng tôi sẽ theo đuổi đến cùng!” - bà Linh nói.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, từ vụ việc trên, bản thân bà rất khó khi tư vấn người tiêu dùng đi khởi kiện vì quá gian nan nên phần lớn họ sẽ bỏ cuộc ngay từ đầu. Không những thế, trong cả năm qua, bà hầu hết chỉ hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng qua… điện thoại cá nhân vì không có văn phòng để làm việc. “Những năm trước, mỗi năm hội tiếp nhận và giải quyết hơn 100 vụ việc nhưng nay thì tôi chủ động không nhận đơn khiếu nại vì có nhận cũng không có chỗ để mời 2 bên đến hòa giải” - bà Thu giải thích.

Đơn độc

Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện, có đến 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng; 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, gần 28% số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử không tốt.

Khảo sát cũng cho thấy chỉ một tỉ lệ nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại do sợ mất thời gian, do không tin vào những cơ chế khiếu nại, khiếu kiện hiện có và do cảm thấy mình đơn độc.

 

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Theo Người Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,277

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn