Chậm đóng bảo hiểm một giờ, mất tiền tỷ

12/03/2014 11:45 AM

Bên đóng bảo hiểm vừa thực hiện ủy nhiệm chi qua ngân hàng để đóng bảo hiểm, tiền chưa tới tài khoản của bên nhận bảo hiểm thì xảy ra sự cháy. Từ đó bên nhận bảo hiểm không chi trả.

Chiều 10-3, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn - Công ty TNHH Tuấn Lộc (trụ sở tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) và bị đơn là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (viết tắt BIC).

Vừa nộp tiền bảo hiểm xong đã bị xui

Theo đơn khởi kiện, ngày 18-9-2008, Tuấn Lộc ký hợp đồng bảo hiểm cháy và rủi ro đặc biệt cho cơ sở gỗ của Tuấn Lộc với Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Đồng Nai (nay là Công ty Bảo hiểm BIDV Miền Đông, gọi tắt là BIC Miền Đông). Số tiền được hưởng bảo hiểm là 40 tỉ đồng, phí thanh toán là 60 triệu đồng trong thời hạn một năm. Cùng ngày, BIC Miền Đông phát ra thông báo thu phí, yêu cầu Tuấn Lộc thanh toán phí bảo hiểm vào tài khoản của BIC. Điều kiện thanh toán: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra thông báo thu phí (tức trước ngày 4-10-2008).

Tuy nhiên, đến ngày 15-10-2008 (tức vượt quá 12 ngày so hạn định trong thông báo) BIC Miền Đông vẫn xuất hóa đơn thu tiền phí bảo hiểm của Tuấn Lộc. Do sự thiếu sót trên hóa đơn đã xuất nên BIC Miền Đông đã nhận lại hóa đơn đó. Đến ngày 20-10-2008 thì Tuấn Lộc mới nhận được hóa đơn hoàn chỉnh của BIC Miền Đông. Đến 15 giờ 45 cùng ngày, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Biên Hòa nhận được ủy nhiệm chi của Tuấn Lộc đóng phí bảo hiểm gửi vào tài khoản của BIC Miền Đông 60 triệu đồng.

Bất ngờ, 16 giờ 20 cùng ngày, tại Công ty Tuấn Lộc đã xảy ra vụ hỏa hoạn, gây tổn thất trên 5,5 tỉ đồng.


Sau đó Tuấn Lộc làm thủ tục thụ hưởng bảo hiểm (hơn 2,5 tỉ đồng) nhưng BIC từ chối bồi thường với lý do “tiền bảo hiểm nộp không đúng thỏa thuận”. Theo BIC, đến ngày xảy ra tổn thất, Tuấn Lộc chưa đóng phí bảo hiểm. Trong khi đó, điều khoản hợp đồng quy định phí bảo hiểm phải được thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày phát hành thông báo thu phí. Cạnh đó, ngày xảy ra hỏa hoạn tài khoản ngân hàng của BIC Miền Đông chưa nhận được tiền đóng phí của Tuấn Lộc.

Sau nhiều lần thương lượng bất thành, Tuấn Lộc khởi kiện BIC ra tòa.

Tòa dưới xử bên đóng bảo hiểm thắng kiện

Xử sơ thẩm ngày 30-10-2013, TAND TP Biên Hòa nhận định hợp đồng bảo hiểm giữa BIC và Tuấn Lộc chỉ quy định thời hạn phải nộp phí bảo hiểm chứ không có thỏa thuận về điều kiện, thời gian đương nhiên không có hiệu lực. Cạnh đó, khi quá thời hạn phải nộp phí bảo hiểm theo thông báo thu phí nhưng BIC Miền Đông vẫn nhận nộp phí, không có văn bản thông báo về việc hủy hay chấm dứt hợp đồng do vi phạm thời hạn thanh toán, vẫn xuất hóa đơn và giao hóa đơn. Điều này chứng tỏ BIC Miền Đông đã chấp nhận việc thanh toán chậm trễ của Tuấn Lộc và vẫn muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Đây được xem là thỏa thuận khác của các bên không đóng phí bảo hiểm theo thời gian thỏa thuận trong hợp đồng.

Tòa cho rằng Tuấn Lộc đã thực hiện việc thanh toán phí bảo hiểm cho BIC Miền Đông trước thời điểm xảy ra vụ cháy. Điều này chứng tỏ Tuấn Lộc đã toàn tất việc thanh toán khoản phí bảo hiểm. Do đó hợp đồng bảo hiểm ngày 18-9-2008 giữa BIC Miền Đông và Tuấn Lộc vẫn được công nhận, đã phát sinh quyền và trách nhiệm bảo hiểm đối với các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.

Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên buộc BIC phải có trách nhiệm bồi thường cho Tuấn Lộc hơn 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, BIC còn phải bồi thường cho Tuấn Lộc hơn 1,5 tỉ đồng do chậm thanh toán theo mức lãi suất nợ quá hạn. Tổng cộng hai khoản là hơn 4 tỉ đồng.

Tòa trên tuyên ngược lại

Phía BIC không đồng ý nên đã gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Đồng Nai.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 10-3, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng Tuấn Lộc yêu cầu BIC phải có trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng đã ký là đúng quy định.

Tuy nhiên, HĐXX đã nhận định ngược lại hoàn toàn bản án sơ thẩm và ý kiến của VKS. Theo tòa này, phía Tuấn Lộc đã không thực hiện đóng bảo hiểm theo quy định và cũng không có những chứng cứ tài liệu thể hiện sự đồng ý và những yêu cầu thanh toán từ phía công ty bảo hiểm. Nếu có trường hợp phát sinh ngoài quy định trong hợp đồng thì phải có văn bản thông báo. Trong trường hợp phía BIC Miền Đông đã chấp nhận thu phí bảo hiểm của Công ty Tuấn Lộc ngoài thời hạn quy định và giữa hai bên không có văn bản thể hiện thì hợp đồng ký kết cũng không có hiệu lực.

Từ đó TAND tỉnh Đồng Nai tuyên xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, bác yêu cầu của Tuấn Lộc.

Văn Ngọc

Theo Pháp luật TP. HCM

Lỗi do ngân hàng chưa kịp chuyển tiền?

Trong ngày 18-9-2008, BIC Miền Đông phát ra thông báo thu phí yêu cầu Tuấn Lộc thanh toán phí bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ khi thông báo. Hết thời gian trên mà Tuấn Lộc vẫn chưa thanh toán thì BIC có quyền từ chối việc nộp phí chậm trễ và hủy hợp đồng đã ký kết.

Tuy nhiên, đến ngày 20-10-2008 (tức 32 ngày kể từ ngày thông báo thu phí) BIC Miền Đông vẫn xuất hóa đơn thu tiền phí bảo hiểm của Tuấn Lộc. Và ngay trong ngày, Tuấn Lộc đã thực hiện ủy nhiệm chi tại Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Biên Hòa để chuyển 60 triệu đồng vào tài khoản của BIC.

Qua xác minh, TAND TP Biên Hòa xác định vào thời điểm Ngân hàng NN&PTNT nhận được ủy nhiệm chi của Tuấn Lộc thì đã hết thời gian thanh toán giữa các ngân hàng khác hệ thống. Vì vậy ngân hàng này không thể chuyển số tiền ngay trong ngày nên buộc phải thực hiện thanh toán vào sáng hôm sau.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,671

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn