Ông Trần Tử Trường - Giám đốc Cty Trường Sơn và tập hóa đơn bị Chi cục Thuế Nghĩa Đàn niêm phong từ năm 2014. Ảnh: QĐ.
Khởi kiện đòi 23 tỉ đồng vì bị niêm phong hóa đơn
Theo đơn khởi kiện, năm 2013, Doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn (Cty Trường Sơn) kinh doanh xăng dầu bị Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn thu thuế hai lần trong một tháng bằng việc khấu trừ qua tài khoản, nhiều lần Cty đề nghị trừ số thu thừa vào tháng tiếp theo nhưng không được đáp ứng.
Tháng 5.2014, doanh nghiệp ngừng nộp thuế để giải quyết vấn đề này thì ngày 7.5.2014, Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn đã phong toả tài sản, cho nhân viên đến lập biên bản niêm phong toàn bộ hoá đơn của Cty.
Cho rằng việc niêm phong hoá đơn đã khiến Cty phải ngừng hoạt động và gây thiệt hại 23 tỉ đồng, Giám đốc Trần Tử Trường khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại, gồm: Doanh thu hơn 3,3 tỉ đồng; thiệt hại phát sinh từ tháng 7.2014 - 7.2015 là hơn 11 tỉ đồng; khấu hao tài sản cố định hơn 170 triệu đồng; lãi suất vay ngân hàng hơn 470 triệu đồng/năm; phương tiện vận chuyển xăng dầu không hoạt động hơn 160 triệu đồng; tiền lương công nhân hơn 300 triệu đồng/năm; tiền bồi thường danh dự, tinh thần 500 triệu đồng...
Tòa “né” yêu cầu khởi kiện
Ngày 7.11.2016, TAND huyện Nghĩa Đàn mở phiên sơ thẩm xác định, tính đến 30.4.2014 doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn nợ tiền thuế hơn 120 triệu đồng, trong đó nợ trên 90 ngày là hơn 60 triệu đồng. Ngày 14.4.2014, Chi cục Thuế thông báo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp số tiền nợ nhưng không được chấp hành.
Ngày 29.4.2014, chi cục ra thông báo lần hai và tiếp đó ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Do thời điểm đó tài khoản của Cty không đủ để trả nợ, Chi cục Thuế không thể trừ tài khoản nên phải chuyển sang biện pháp cưỡng chế bằng việc thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng. Việc làm của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn là đúng quy định nên không chấp nhận bồi thường cho Cty.
Điểm mấu chốt của vụ việc là ông Trần Tử Trường kiện Chi cục Thuế Nghĩa Đàn về hành vi “niêm phong hóa đơn” trái quy định. Trong phần trình bày của các đương sự, phía nguyên đơn có hai ý kiến khẳng định có việc niêm phong hóa đơn; phía bị đơn có một ý kiến (ông Nguyễn Thanh Đạm - cán bộ thuế) phủ nhận việc niêm phong.
Tập hóa đơn của doanh nghiệp, có chữ ký của bà Phan Thị Khánh Linh, cán bộ thuế huyện Nghĩa Đàn dưới dòng chữ "Người niêm phong". Ảnh: QĐ
Tại phiên tòa, ông Trần Tử Trường đưa ra gói hóa đơn của Cty đang bị niêm phong, có chữ ký của Giám đốc, nhân viên Cty, hai cán bộ Chi cục Thuế Nghĩa Đàn. Bà Phan Thị Khánh Linh - cán bộ Chi cục Thuế Nghĩa Đàn - ký, ghi họ tên dưới dòng chữ “Người niêm phong”.
Ông Trần Tử Trường còn đưa ra hai văn bản (số 44, ngày 6.5.2015 và số 71, ngày 10.8.2015), của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn, thể hiện rõ cơ quan này đã “niêm phong” hóa đơn của Cty Trường Sơn.
Tuy nhiên, trong phần “Xét thấy” của bản án sơ thẩm, không hề có nội dung liên quan đến hành vi “niêm phong hóa đơn” nói trên. Trong khi đó, đây là nội dung khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án đã “bỏ qua” khâu làm rõ việc có hay không hành vi “niêm phong hóa đơn” của cán bộ thuế đối với Cty Trường Sơn.
Mặc dù vậy, Tòa vẫn tuyên án, bác yêu cầu của nguyên đơn; khẳng định việc làm của Chi cục Thuế Nghĩa Đàn là đúng pháp luật.
Cho rằng bản án thiếu khách quan, ông Trần Tử Trường tiếp tục kháng cáo.
Nhưng phiên xử vừa qua đã bị hoãn, vì cán bộ thuế Nguyễn Thanh Đạm vắng mặt. Được biết, ông này đã nghỉ hưu.
Quang Đại
Theo Báo Lao động