Khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn nhiều vướng mắc

08/05/2017 17:18 PM

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14, Luật BHXH năm 2014 có quy định quyền của tổ chức công đoàn trong việc “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ, theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”. Theo đó, tổ chức công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc, do những bất cập, chồng chéo giữa các Bộ Luật.

Bà Trần Thị Thanh Hà- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam

Mới đây, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam tổ chức, chia sẻ về công tác khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH năm 2014 Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà cho biết, tính đến tháng 2/2017, các cấp công đoàn trong cả nước đã tiếp nhận trên 1.150 hồ sơ DN nợ BHXH do cơ quan BHXH chuyển sang và đã có 39 LĐLĐ tỉnh, thành phố nộp đơn khởi kiện 77 DN nợ BHXH ra Tòa án.

Tuy nhiên, trong số đó có 17 hồ sơ bị Tòa án trả lại với lý do vụ kiện thuộc tranh chấp tập thể về quyền, chưa được cấp Chủ tịch UBND huyện giải quyết hoặc chưa có giấy ủy quyền của công đoàn cơ sở. 60 hồ sơ Tòa án đã nhận nhưng chưa trả lời.

Bà Trần Thị Thanh Hà cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, hiện công tác khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang có bất cập giữa các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật BHXH năm 2014,.. nên đến nay Toà án chưa có cơ sở pháp lý để tiến hành xét xử các DN nợ BHXH.

Quan điểm của Tòa án cho rằng, hành vi nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của DN là hành vi cấm của Luật BHXH nên phải xử lý hành chính trước, sau khi xử lý hành chính mà DN vẫn tiếp tục vi phạm thì có dấu hiệu hình sự, có thể bị xử lý theo khung hình phạt với tội nợ và chiếm đoạt tiền BHXH, đang được dự thảo quy định tại Bộ Luật Hình sự. Nhưng hiện Bộ Luật Hình sự vẫn đang trong quá trình sửa đổi, và theo lộ trình xây dựng pháp luật thì Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp tới đây.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật thì nguyên đơn khởi kiện phải là cấp công đoàn cơ sở, nhưng cấp công đoàn cơ sở thuộc DN nên việc thực hiện vai trò này đối với họ không khả thi. “Vì vậy, chúng tôi kiến nghị và đề xuất thay đổi theo hướng quyền khởi kiện thuộc về tổ chức công đoàn, nên tổ chức công đoàn sẽ có quyền phân công cho các cấp công đoàn trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam như các Trung tâm tư vấn pháp luật, hoặc LĐLĐ các cấp đứng ra làm nguyên đơn khởi kiện, nhưng Tòa án không chấp nhận”, bà Trần Thị Thanh Hà cho biết.

Bà Trần Thị Thanh Hà chia sẻ, “tuy công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung thực hiện, vẫn tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH để khởi kiện, dù tòa án có trả lại. Vì trên thực tế, DN vẫn vi phạm theo Luật Tố tụng dân sự, làm ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh thiết thân của hàng ngàn lao động. Cách xử lý thế nào thuộc về trách nhiệm của Tòa án. Đến tận thời điểm này, không chỉ dựa vào các hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang, theo chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chúng tôi còn chủ động thu thập thêm các hồ sơ phản ánh nợ đọng BHXH của DN từ các kênh khác nhau để hoàn thiện thủ tục khởi kiện”.

người lao động

DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp làm ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh chính đáng của hàng ngàn NLĐ. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Tuy việc khởi kiện chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng bà Trần Thị Thanh Hà cũng cho biết một số tín hiệu vui như: sau khi LĐLĐ các cấp tiến hành việc nộp đơn khởi kiện các DN, nhiều DN đã chủ động đóng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH.

 “Tích cực trong việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác này, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn gửi Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị trả lời, tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra Tòa án. Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, BHXH Việt Nam và một số đơn vị liên quan cũng đã có cuộc họp liên tịch bàn về vấn đề này”, bà Trần Thị Thanh Hà nói.

Theo đó, mới đây, Tòa án Nhân dân Tối cao đã đề xuất giải quyết vấn đề khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo 02 hướng: 1- Cơ quan BHXH vừa thực hiện chức năng thanh tra đóng BHXH, vừa thực hiện quyền khởi kiện. Nhưng để thực hiện theo hướng này thì phải sửa Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự. 2- Giao tổ chức công đoàn khởi kiện thì phải là Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện. Bởi nếu giao cho Công đoàn cơ sở khởi kiện như hiện nay, thì không thể thực hiện được vì Chủ tịch Công đoàn cơ sở là người hưởng lương của DN, nên nguy cơ bị chủ DN sa thải là điều tất yếu xảy ra.

Bà Trần Thị Thanh Hà cũng nhấn mạnh, vướng mắc tồn tại trong cả 04 Bộ Luật, giải pháp đưa ra có, nhưng đều khó tháo gỡ. Chính vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xin ý kiến của Ban Bí thư để có chỉ đạo xử lý vấn đề này hiệu quả nhất, nhằm bảo vệ quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có đề nghị với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ra nghị quyết riêng để hướng dẫn quyền khởi kiện của công đoàn đối với các DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp./.

TH

Theo Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,632

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]