Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa có công văn đề nghị công an tỉnh điều tra vụ cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cà phê Đức Lập, đề nghị khởi tố bị can đối với ông Trần Trí Công, nguyên Giám đốc công ty, vì đã có hành vi “thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”...
Năm 1985, Nông trường cà phê Đắk Sắk (nay đổi thành Công ty cà phê Đức Lập, có địa chỉ tại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) được thành lập. Từ năm 1999 đến nay, công ty liên tục thua lỗ, nợ nần.
Sau một thời gian tiến hành thanh kiểm tra, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại công ty này. Cụ thể, từ năm 1999 đến nay công ty đã để thua lỗ số tiền gần 30 tỷ đồng. Đặc biệt, có giai đoạn chỉ trong vòng gần 5 năm (cuối 1999 đến đầu 2004) công ty đã để thua lỗ hơn 28 tỷ đồng. Nguyên nhân chính không phải vì sự biến động thất thường của giá cà phê mà do công tác quản lý, điều hành yếu kém cùng sự tắc trách của ban lãnh đạo công ty.
Để đối phó, công ty đã báo cáo sai số tiền thua lỗ để che mắt cơ quan chức năng. Cụ thể như năm 1999, trên thực tế số tiền bị lỗ hơn 15,5 tỷ đồng nhưng công ty chỉ hạch toán bị lỗ hơn 7,1 tỷ đồng. Số tiền lỗ hơn 8,3 tỷ đồng còn lại thay vì đưa vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả năm, công ty lại cố tình hạch toán vào các khoản chi phí kinh doanh khác. Mặt khác, trong số hơn 15,5 tỷ đồng bị thua lỗ này chỉ có hơn 1,7 tỷ đồng bị lỗ do chênh lệch giá cà phê thị trường, số còn lại đều do chi tiêu lãng phí, buông lỏng quản lý.
Theo Thanh tra tỉnh, hiện nay số nợ của công ty đã hơn 89 tỷ đồng và không còn khả năng hoàn trả, trong đó phần lớn là nợ tiền vay từ các ngân hàng. Ngoài ra, công ty còn nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế hơn 1,6 tỷ đồng và nợ các đối tác làm ăn, nợ chi tiêu gần 3 tỷ đồng...
Mặc dù nợ như chúa chổm nhưng trong những năm qua công ty đã chi hơn 10 tỷ đồng vay từ ngân hàng để đầu tư xây dựng các công trình cơ bản của đơn vị, mua sắm trang thiết bị làm việc cho cán bộ, nhân viên; đồng thời dùng hơn 32,1 tỷ đồng vay từ ngân hàng này để đáo nợ cho ngân hàng khác.
Ngoài những sai phạm trên, công ty còn để xảy ra tình trạng chi tiêu hoang phí, sai nguyên tắc, làm thất thoát nguồn tài chính và gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng trong vòng hai năm 1999 và 2000, công ty đã chi hơn 634 triệu đồng chỉ để... tiếp khách. Các khoản chi vô lý, trái với nguyên tắc tài chính như: mua sắm điện thoại di động, trả tiền điện thoại cho cán bộ, bồi dưỡng công tác phí, hỗ trợ thu nợ cho nhân viên... cũng thường xuyên diễn ra tại công ty và làm thất thoát hàng trăm triệu đồng.
Một việc làm sai phạm trong nguyên tắc quản lý tài chính khiến công ty lâm vào cảnh phá sản là hầu hết số tiền công ty đi vay ở các ngân hàng nhưng lại đem cho các đại lý, cá nhân thu mua cà phê tạm ứng mà không cần có tài sản thế chấp hoặc chỉ thế chấp một cách lấy lệ, hình thức. Đến nay, tổng số tiền mà công ty đã cho các đại lý thu mua cà phê tạm ứng lên đến hơn 125,7 tỷ đồng, nhưng chứng từ cho ứng tiền lại được thực hiện một cách rất sơ sài, đối phó và hoàn toàn trái với nguyên tắc quản lý tài chính. Nhiều đại lý, cá nhân còn đang nợ hàng tỷ đồng chưa trả nhưng vẫn được công ty tiếp tục cho ứng tiền. Điều lạ lùng hơn là có hàng loạt trường hợp chi ứng tiền cho các đại lý, cá nhân ký gửi cà phê nhưng công ty lại không lập phiếu nhập kho nên không thể xác định được có cà phê ký gửi trong kho hay không(?). Do đó, đã dẫn đến tình trạng khi giá cà phê tăng thì không đòi được cà phê từ người ký gửi, còn khi giá cà phê xuống thì công ty phải còng lưng chịu bù lỗ...
Điều đáng nói nữa là có một số cá nhân trong công ty đã đứng ra tố cáo sai phạm của ban giám đốc, thế nhưng sự việc rốt cuộc rồi đâu vẫn hoàn đấy, còn họ lại bị trù dập, trả thù khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng.
Theo Lê Uyên
CAND