Muốn livestream facebook, youtube phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT (đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
11/07/2021 09:10 AM

Đây là một trong các đề xuất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP.

Muốn livestream phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT (đề xuất)

Theo đó, đề xuất tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới có thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam hoặc có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên (UV- Unique Visitor) trong 01 (một) tháng từ 100.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung sau:

- Tên tổ chức, tên giao dịch; mã số doanh nghiệp (nếu có); địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ; địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam (nếu có);

- Đầu mối liên hệ: Tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

- Về trách nhiệm và quy trình xử lý nội dung vi phạm pháp luật cung cấp qua biên giới

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với video phát trực tuyến (livestream), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 03 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Việc quản lý và cấp phép mạng xã hội tuân thủ theo một số quy định sau:

+ Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu;

Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp có thể xin cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực truyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

+ Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này qua một trong các hình thức sau: Gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử;

Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thực hiện thông báo. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này qua một trong các hình thức sau: Gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.

Như vậy:

Đối với các tài khoản tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài có lượt theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên: Phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu số 05 trong mọi trường hợp.

Đối với các tài khoản tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài có lượt theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người: Chỉ phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo Mẫu số 05 khi muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

+ Các mạng xã hội chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Các vấn đề phát sinh và bất cập trong công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội hiện nay

Đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 01 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, Youtube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, Youtube có  khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).

Các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng là gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, cần sớm bổ sung quy định điều chỉnh. 

Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp. (Nội dung tại Tờ trình Dự thảo Nghị định)

Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Nghị định.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,613

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn