Thông tin trên được Bộ Tư pháp đưa ra tại cuộc Đối thoại phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng”, diễn ra sáng 26/11 tại Hà Nội.
Gần 600 người bị điều tra tội tham nhũng trong năm
Thông tin tới các đại biểu về tiến triển trong công tác PCTN năm 2014, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác PCTN năm 2014 tiếp tục có những bước tiến bộ và đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, qua thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 144 vụ; phát hiện, xử lý 54 vụ với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm hàng nghìn tập thể, cá nhân. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính trên 13,6 nghìn tỷ đồng...
Cũng trong năm nay, các cơ quan tố tụng khởi tố mới 256 vụ với 593 bị can tham nhũng (tăng 23 vụ/25 bị can so với cùng kỳ năm trước); hoàn thành xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng, kết tội 673 tội phạm tham nhũng. Đáng chú ý, một số vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực và củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, ông Phạm Trọng Đạt cũng cho biết, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hiệu quả một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thấp; việc tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh...
Thu hồi thấp do bị tẩu tán, chuyển hóa tài sản
Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường thẳng thắn thừa nhận, dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp cả từ góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, khó xử lý không chỉ đối với một nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả đối với những nước phát triển, có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng…
Theo số liệu thống kê, từ tháng 10/2010 đến cuối tháng 4/2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng trên 17.000 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản thu hồi được khoảng gần 5.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 29,4%). Còn trong năm 2014, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, thu hồi 46,9 tỷ đồng (đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013); lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3% tăng 14,1% so với năm 2013).
Về nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thu hồi thấp, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp cho hay, thực tiễn có nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều cách thức khác nhau như: chuyển quyền sở hữu cho người thân, thông qua hoạt động rửa tiền, mua sắm tài sản phương tiện có giá trị và chuyển ra nước ngoài…
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề gây khó khăn trong phát hiện, chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có chính là văn hóa sử dụng tiền mặt. Vai trò của hệ thống ngân hàng trong kiểm tra dòng tiền chưa thực sự tốt, mức độ minh bạch tài sản chưa cao và hệ thống đăng ký tài sản chưa phát triển. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật trong những năm qua cũng chưa thực sự đảm bảo sự ổn định cần thiết dẫn đến nhiều tài sản có thể không chứng minh được nguồn gốc.
Mặt khác, quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham nhũng diễn ra tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội), dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản.
Thực tế cũng cho thấy, một số vụ việc không thể xử lý hành vi tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội “cố ý làm trái” tội phạm khác. Do đó việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.
Cần… “thuốc diệt chuột”
Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả PCTN cũng như thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đề cập tới vấn đề thay đổi nhận thức rằng: công tác thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ được thực hiện thông qua kết án hình sự mà cần phải thông qua các kênh khác, như kênh dân sự và kênh hành chính vì vấn đề quan trọng nhất là phải đánh vào và làm triệt tiêu động cơ, lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng và những người liên quan.
Đưa ra ý kiến đóng góp, Đại sứ Newzealand nêu quan điểm ủng hộ các nỗ lực giảm thiểu giao dịch dùng tiền mặt. Việc giảm các giao dịch trực tiếp giữa cán bộ với doanh nghiệp và người dân sẽ giảm thiểu được tham nhũng.
Còn ông Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh cho rằng cần nâng cao vai trò của báo chí trong công tác PCTN. Nếu vai trò của báo chí được tăng cường thì bất cứ quan chức nào làm việc gì sai sẽ rất sợ bị báo chí phát hiện và đưa lên dư luận. Khi họ nghĩ như vậy thì họ sẽ do dự và bớt tham nhũng đi.
Khi phát biểu, ông Giles Lever dẫn trích dẫn câu “Diệt chuột đừng để vỡ bình”, hàm ý là trong PCTN đòi hỏi phải khôn ngoan, có con mắt chiến lược, phải giữ ổn định để đất nước phát triển. Ông Giles Lever cho biết ông rất khâm phục trí tuệ của người Việt Nam và tin rằng Việt Nam sẽ biết cách đánh “chuột” mà không "vỡ bình".
“Tôi đã làm việc tại rất nhiều nước và thấy chuột ở một số quốc gia quá to, lúc đó không những nó sẽ làm vỡ bình mà còn ăn sạch tài sản trong căn nhà đó. Vì vậy, có lẽ chúng ta cần một con mèo mạnh hơn, hoặc cần một cái bẫy chuột hiệu quả hơn, thậm chí là thuốc diệt chuột. Bằng cách này hay cách khác thì chúng ta vẫn phải diệt chuột” - vị Đại sứ Anh quốc nói.
Dương Lê
- Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3% tăng 14,1% so với năm 2013). - “Qua khảo sát 8.000 doanh nghiệp, có tới hơn 50% cho biết họ phải trả các chi phí ngoài” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thông tin tại phiên Đối thoại. |
Mọi tài sản tham nhũng phải thu hồi, tịch thu Phát biểu chỉ đạo tại phiên Đối thoại, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thu hồi tài sản là một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đang ở mức thấp, một phần lớn tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, che giấu, thậm chí đã được “tẩy rửa”, rất khó phát hiện để thu hồi. Đó là một thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tìm ra giải pháp. |