Chính sách mới >> Tham nhũng 30/07/2014 08:15 AM

Trị tham nhũng: Vẫn nhẹ tay

30/07/2014 08:15 AM

Sau khi Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực, đến cuối năm 2013, VKSND các cấp chỉ truy tố trên 1.900 vụ án tham nhũng nhưng có đến 30%-40% vụ thuộc cấp xã, 20% cấp huyện, 10% cấp tỉnh và chỉ 0,3% ở cấp trung ương

Trong 2 ngày 29 và 30-7, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi và tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng  chống tham nhũng (PCTN)”. Gần 50 đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong cả nước đã nêu ý kiến thẳng thắn về những hạn chế trong công tác PCTN hiện nay.

Công khai, minh bạch tài sản: Chỉ hình thức

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, việc kê khai, công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là nhằm giảm nguy cơ phát sinh tham nhũng nhưng hiện công tác này còn mang nặng tính hình thức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (bên phải) cho rằng cả hệ thống pháp luật cần xem xét để phòng chống tham nhũng hiệu quả

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (bên phải) cho rằng cả hệ thống pháp luật cần xem xét để phòng chống tham nhũng hiệu quả

Trong 3 năm qua, tỉ lệ công chức kê khai tài sản rất cao, trung bình hằng năm có 97%-98% người trong diện kê khai đã thực hiện. Thế nhưng, việc kiểm soát, phát hiện, xử lý người vi phạm trong kê khai tài sản thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Người ta ví Luật PCTN của ta là một đạo luật không có răng, cắn không đau” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, cho rằng việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ dựa vào ý thức tự giác của người kê khai chứ hầu hết không được kiểm tra, xác minh. Từ năm 2007 đến nay, cả nước chỉ xác minh được trên 5.800 bản kê khai, chiếm tỉ lệ 1,3%.

Theo ông Hùng, việc quy định nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm gắn với người kê khai là không hợp lý. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải thích được hợp lý bị coi là hành vi làm giàu bất hợp pháp và cần được xử lý. “Thế nhưng, quy định tại Việt Nam thì người có thẩm quyền quản lý cán bộ cũng không có cơ sở pháp lý yêu cầu cán bộ giải trình dù thấy tài sản của họ tăng lên bất thường” - ông Hùng chỉ ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ, lại cho rằng việc quy định tài sản, thu nhập phải kê khai thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên là rất bất hợp lý. “Con chưa thành niên thì có tài sản đâu mà kê khai? Nếu họ chuyển tài sản tham nhũng qua con thành niên thì sao? Tôi thấy giải pháp kê khai tài sản, thu nhập chỉ hình thức, chẳng phát hiện được gì” - ông Hiệp băn khoăn.

Hạn chế cả trong quy định pháp luật và thực hiện

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi Luật PCTN có hiệu lực, đến cuối năm 2013, VKSND các cấp chỉ truy tố trên 1.900 vụ án tham nhũng với gần 4.700 bị can. Con số này không phải lớn với tình hình tham nhũng được xem là quốc nạn ở Việt Nam. Trong khi đó, có đến 30%-40% vụ tham nhũng bị phát hiện là thuộc cấp xã, 20% thuộc cấp huyện, 10% là cấp tỉnh và chỉ 0,3% ở cấp trung ương.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra Nguyễn Quốc Hiệp, một số cán bộ cao cấp ngay sau khi về hưu đã phát lộ khối tài sản kếch xù có dấu hiệu tham nhũng nhưng chưa được làm rõ. Ông Hiệp cũng cho rằng cần hình sự hóa tất cả hành vi liên quan đến tham nhũng. “Thực tế hiện nay, trong 7 hành vi tham nhũng được quy định trong luật, đã có đến 5 hành vi chỉ xử lý kỷ luật” - ông Hiệp nói.

Theo chuyên gia này, cần có chế tài cụ thể đối với trách nhiệm người đứng đầu tổ chức có người tham nhũng. “Ví dụ trong vụ tham nhũng của Dương Chí Dũng, người đứng đầu là ai, phải chịu trách nhiệm gì, sao chúng ta không đề cập?” - ông Hiệp đặt vấn đề.

Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an, thừa nhận công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng chưa tương xứng với tình hình.

Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và nhiều đại biểu tại hội thảo, để khắc phục những khó khăn trong phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng cũng như chịu trách nhiệm về tệ nạn này, cần thiết phải có cơ quan PCTN có tính độc lập cao. Bà Nga cho rằng cần xem xét miễn tội cho người đưa hối lộ. “Nếu miễn trách nhiệm cho người đưa hối lộ thì việc phát giác người nhận hối lộ sẽ dễ hơn” - bà Nga nhìn nhận.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu, cho rằng những hạn chế trong công tác PCTN có cả hai góc độ ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật.

“Ở góc độ ban hành pháp luật, đúng là có những khiếm khuyết, hạn chế như tính khả thi, tính thiếu cụ thể, quy định chưa rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, chế tài. Nhìn từ góc độ thứ hai, luật pháp có rồi nhưng người ta thực hiện chưa nghiêm. Cả hệ thống pháp luật cần nhìn lại để sửa đổi, bổ sung cho hợp lý” - ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh. 

Người tố cáo lại bị xử lý, truy cứu

Theo ông Hà Công Long, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2013, cả nước có gần 8.700 vụ việc bị tố cáo tham nhũng. Qua phân tích 6.400 vụ tố cáo, có 986 vụ là tố cáo đúng, thu hồi trên 30,4 tỉ đồng. Ông Long cho rằng việc thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa tốt khiến họ có tâm lý bị trả thù, từ đó ngại tố cáo. “Nhiều vụ việc tố cáo tham nhũng nhưng cơ quan có thẩm quyền bỏ qua, không xử lý. Ngược lại, người tố cáo bị kiểm tra, xử lý, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Long cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất luật cần phải xem xét để bảo vệ tốt hơn cho người tố cáo.

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,891

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]