Chính sách mới >> Tham nhũng 08/03/2014 09:53 AM

Lãnh đạo thôn dỡ đình bán gỗ sưa xin lỗi người dân

08/03/2014 09:53 AM

Bí thư Chi bộ và trưởng thôn Cựu Quán, nơi có mái đình bị dỡ để lấy gỗ sưa bán, đã thừa nhận sai phạm quy chế dân chủ và xin dân thứ lỗi trong cuộc họp hôm nay.

Ngày 7/3, hàng trăm người dân thôn Cựu Quán (xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) cùng lãnh đạo thôn, xã họp bàn giải quyết việc tháo dỡ đình bán gỗ sưa.

Ông Nguyễn Phú Ngà (Bí thư Chi bộ thôn) và ông Nguyễn Phú Lực (Trưởng thôn) đã đứng dậy thừa nhận sai phạm và xin người dân thứ lỗi. Cả hai đều cho rằng, mình suy nghĩ nông cạn, muốn làm lợi cho dân, cho đình làng Cựu Quán, muốn mở rộng đình mà bị một số người dụ dỗ tham gia vụ tháo dỡ đình để bán gỗ sưa.

"Toàn dân không có chủ trương mở rộng khuôn viên đình. 6 người tham gia vụ dỡ mái đình bán gỗ đã mạo danh tổ chức, mạo danh cán bộ, nhân dân làm sai quy chế, phá hoại đình làng", một người dân nói.


Sáng 7/3, lãnh đạo xã Đức Thượng, thôn Cựu Quán đã họp cùng nhân dân để giải quyết vụ tháo dỡ mái đình bán gỗ sưa. Ảnh: Phạm An.

Sư Diệu Bản - người mua gỗ được tháo từ mái đình cũng bị lên án là "tiếp tay cho hành vi tội lỗi", "môi giới buôn bán gỗ của đình". Người dân đề nghị nhà sư và các cá nhân tham gia vụ mua bán phải trả lại gỗ sưa cho đình làng; đồng thời phải đuổi nhà sư ra khỏi chùa. 

Trước đó, ngày 6/3 sư Diệu Bản trụ trì chùa Nội An (còn gọi là Đình Quán) đã làm đơn xin trả lại chùa với lý do, vài ngày gần đây xảy ra một số sự việc hiểu lầm. Một số người dân "dùng lời xúc phạm khiến nhà sư nhận thấy nhân duyên với chùa và nhân dân Cựu Quán đã hết".

Tại cuộc họp, cán bộ và người dân thôn Cựu Quán đã nhất trí thay mới ông từ và ban Khánh tiết đình làng; lập ban kiểm kê tài sản của đình, chùa, mọi việc sửa chữa, tác động đến cấu kiện, đồ thờ trong đình, chùa phải được người dân thông qua và công khai tài chính. Việc lợp tạm lại mái đình để bảo vệ ngựa và đồ thờ tự cũng được bàn bạc thống nhất.

Buổi họp tuy công khai giải quyết những vấn đề liên quan đến việc tháo mái đình bán gỗ sưa nhưng theo một số người dân còn "chung chung", "chưa nêu triệt để vấn đề". Một số người bức xúc vì "bị an ninh giằng micro" không cho phát biểu ý kiến. Ông Nguyễn Ích Thìn, Phó Chủ tịch HĐND xã Đức Thượng chủ trì buổi họp cũng chỉ đạo lực lượng an ninh ngăn cản các phóng viên tham gia với lý do, đây là cuộc họp trong nội bộ dân, phóng viên sẽ được tiếp ở UBND xã.


Để bảo vệ ông ngựa và đồ thờ trong đình Cựu Quán, nhân dân đã thống nhất lợp tạm mái và yêu cầu những người tham gia vụ mua bán trả lại gỗ sưa cho đình làng.

Sự việc ở đình Cựu Quán đã được công an huyện tiếp nhận hồ sơ thụ lý. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với UBND xã Đức Thượng khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh ngay các sai phạm và báo cáo UBND thành phố bằng văn bản kết quả đã giải quyết vụ việc trước ngày 15/3.

Theo báo cáo ban đầu của Công an xã, trong số 1,2 tỷ bán gỗ sưa, 700 triệu đồng đã được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hoài Đức, còn 500 triệu đồng được chi mua ruộng gần chùa và mua gỗ sửa lại mái vảy của Đình Quán. Công an đã thu giữ một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng và đang tiếp tục điều tra làm rõ động cơ, mục đích của việc bán gỗ.

Luật sư Nguyễn Hồng Báchcho biết, vụ tháo dỡ mái đình Cựu Quán bán gỗ sưa không chỉ vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm nơi thờ tự, chốn linh thiêng, trung tâm tinh thần, nơi hội tụ những giá trị văn hóa quý báu của cả cộng đồng.

Đình Cựu Quán do chưa được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa nên không thể áp dụng các quy định về bảo vệ di sản văn hóa đối với trường hợp này. Việc xác định trách nhiệm hình sự nếu có cũng sẽ phải cần nhiều thông tin và dữ liệu khác mới có thể đưa ra một tội danh chính xác nếu có. Tuy nhiên, nếu việc tháo và bán kèo đình nhằm tu bổ, mở rộng đình thì hành vi đó sẽ có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 143 BLHS). 

Trong trường hợp, việc bán kèo gỗ sưa là nhằm tư lợi, chiếm đoạt số tiền thì hành vi này có dấu hiệu của “Tội trộm cắp tài sản” (Điều 138 BLHS). Tuy nhiên, việc xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của những người có liên quan sẽ phụ thuộc vào diễn biến cụ thể của sự việc, cũng như kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Chỉ khi toàn bộ sự thật khách quan của sự việc được làm sáng tỏ, chúng ta mới có thể có những kết luận chính xác nhất.

Luật sư Bách cho rằng, những người tham gia việc tháo dỡ, mua bán gỗ sưa ở mái đình không phải không hiểu luật, mà là cố tình vi phạm. Họ đã tự quyết định (tự lập biên bản với nhau) và thực hiện mà không thông báo công khai cho người dân trong thôn được biết. Tiếp đó, là vị sư trụ trì mua gỗ sưa để làm gì, tại sao vị sư này lại bỏ ra một số tiền lớn như vậy để mua gỗ sưa? Điều đó chứng tỏ sự việc này còn nhiều uẩn khúc và ghi vấn mà các cơ quan chức năng cần làm rõ. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ các di tích, để tránh lập lại các sự việc đáng tiếc như vậy.

Quỳnh Trang

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,332

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]