Chính sách mới >> Tham nhũng 15/01/2014 09:10 AM

Thủ tướng trả lời về việc "cắt bỏ ung nhọt" tham nhũng

15/01/2014 09:10 AM

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong điều hành của Chính phủ.

Trong khuôn khổ Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời bằng văn bản chất vấn của các đại biểu liên quan tới các vấn đề chống tham nhũng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng như vấn đề tuyển dụng nhân tài cấp quốc tế về phục vụ đất nước.

Tình trạng tham nhũng còn tinh vi, phức tạp

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến và đại biểu Nguyễn Thị Khá về trách nhiệm của Thủ tướng trong công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước: Trải qua gần 2 nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đề nghị cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng. Nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến việc thi hành án, số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng thấp, chỉ đạt khoảng 20%, có vụ chỉ 10%; giải pháp đột phá trong thời gian tới để khắc phục, đặc biệt là 10 vụ đại án tham nhũng đã, đang và sẽ được xét xử.

Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ với trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ (từ tháng 6/2006) và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (từ tháng 9/2006 đến tháng 2/2013) đã nghiêm túc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, đặc biệt là Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; công khai minh bạch các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, người dân và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò của nhân dân và báo chí trong phòng chống tham nhũng. Nâng cao năng lực và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, điều tra và đôn đốc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng nghiêm trọng.

Chính phủ đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và cũng đã báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 và 2013. Các báo cáo đều đánh giá công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công, thực hiện công khai, minh bạch. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Trong giai đoạn 2007 - 2013, đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo (đây chính là những ung nhọt). Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội. Không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tự phát hiện được tham nhũng. Tham nhũng được phát hiện chủ yếu từ người dân, báo chí phản ánh hoặc do cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra phát hiện. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng chống tham nhũng có mặt còn hạn chế. Việc xử lý một số vụ việc tham nhũng còn chậm.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng kéo dài do mất nhiều thời gian giám định thiệt hại về kinh tế, dẫn đến các tài sản là tang vật vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, mất giá trị khi bán đấu giá, không thu hồi được đủ số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt. Đồng thời, đối tượng tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản nên số tài sản, tiền kê biên ít, việc thu hồi tài sản trong thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương trong bộ máy hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật để tạo chuyển biến tốt hơn. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân trong phòng chống tham nhũng.

Về thu hồi tài sản trong thi hành án. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình để rút ngắn thời gian giám định thiệt hại, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc xử lý hành vi tham nhũng. Hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn chặn các hành vi đối phó che dấu tài sản và kiểm soát chặt chẽ tài sản của các đối tượng tham nhũng. Kiên quyết thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án.

Những kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém trong phòng chống tham nhũng có phần đóng góp cũng như trách nhiệm của Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ.

Nợ đọng các nghị đinh, quyết định: hạn chế lớn của Chính phủ

Trả lời chất vấn của các đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ngô Văn Minh về tình trạng nợ đọng các nghị định, quyết định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh kéo dài nhiều năm làm giảm hiệu lực thi hành, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương của đất nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận thức rõ và luôn coi việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng, ban hành các nghị định, quy định chi tiết để thi hành luật, pháp lệnh là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Chính phủ. Phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ đều dành thời gian để làm nhiệm vụ này. Khi cần thiết, Chính phủ tổ chức họp phiên chuyên đề để thực hiện riêng nhiệm vụ này - để thảo luận về dự án luật, pháp lệnh, thảo luận về nghị định, quyết định để thi hành luật, pháp lệnh.

Tình hình nợ các văn bản, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thi hành luật, pháp lệnh đã diễn ra nhiều năm. Tuy năm sau có tiến bộ hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm. Từ đầu năm 2012, Chính phủ đã tập trung sức khắc phục hạn chế yếu kém này. Đến cuối năm 2012, còn nợ 27 văn bản là nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Đây là một bước tiến bộ, là mức nợ thấp nhất so với 10 năm trước. Nhưng vẫn còn là một khuyết điểm, một hạn chế yếu kém của Chính phủ.

Năm 2013, các luật và pháp lệnh có hiệu lực thi hành nhiều hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành tới 129 nghị định, quyết định quy định chi tiết thi hành 38 luật và pháp lệnh, tăng gấp đôi so với năm 2012. Riêng Luật xử phạt vi phạm hành chính phải ban hành tới 53 văn bản. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ này. Đến hôm qua (20/11/2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về nội dung bàn giao với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới Nguyễn Văn Nên) thì đã ban hành được 110, còn nợ 19 văn bản. Năm 2013 mặc dù số văn bản phải ban hành tăng gấp đôi nhưng chỉ còn nợ 19 văn bản (năm 2012 nợ 27 văn bản). Chúng tôi cố gắng phấn đấu tới cuối năm, còn hơn một tháng nữa, sẽ ban hành hầu hết những văn bản còn lại, trừ một số văn bản khó ban hành và chưa thật là cấp bách.

Mặt khác, về chất lượng văn bản, từng bước đã được nâng lên và đã có nhiều tiến bộ. Nhưng vẫn còn một số điều quy định khi ban hành không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thiếu tính khả thi. Tuy chỉ là một số rất ít so với nhiều quy định đã ban hành nhưng gây bức xúc như đại biểu đã nêu.

Để khắc phục tình trạng nợ đọng và hạn chế về chất lượng văn bản, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo 4 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là kỷ luật kỷ cương thi hành pháp luật. Từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cho đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội theo chương trình và xây dựng, ban hành nghị định, quy định trong phạm vi được phân công phụ trách là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.

Thứ hai, kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ chuyên trách am hiểu về pháp luật để tham mưu giúp cho đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng làm tốt hơn công tác xây dựng văn bản quy định pháp luật.

Thứ ba, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt những quy trình, thủ tục làm kéo dài thời gian ban hành văn bản nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ.

Thứ tư, Điều hết sức quan trọng là phải xác định rõ tư tưởng chính sách và giải pháp chủ yếu để thực hiện trước khi soạn thảo xây dựng văn bản pháp quy. Không làm được điều này sẽ khó tạo được đồng thuận, thời gian sẽ kéo dài và chất lượng văn bản sẽ không cao.

Với các giải pháp nêu trên và bảo đảm đủ kinh phí cho nhiệm vụ này, Chính phủ sẽ phấn đấu không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết để thi hành luật, pháp lệnh và chất lượng văn bản pháp quy cũng sẽ từng bước được nâng lên.

Công tác quản lý cán bộ, công chức còn bất cập

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Huệ về tình trạng thực hiện kỷ cương kỷ luật hành chính chưa nghiêm lặp đi lặp lại nhiều năm, chưa được khắc phục, thậm chí còn có biểu hiện gia tăng.

Thủ tướng cho rằng kỷ luật kỷ cương trong thực thi pháp luật đã có nhiều tiến bộ nhưng có những mặt, những việc vẫn chưa nghiêm là một hạn chế, yếu kém, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và bức xúc trong nhân dân.

Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm trước hết là do công tác quản lý cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. Trách nhiệm cán bộ, công chức, nhất là của người đứng đầu chưa được đề cao đúng mức; vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý. Sự phân định phạm vi và trách nhiệm trong lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền chưa đủ rõ, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong hoạt động của một số cơ quan hành chính nhà nước và trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Việc tích nước, xả lũ của hồ chứa còn bị động

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Dung, Đỗ Văn Đương về thực trạng các nhà máy thủy điện xả lũ không báo trước khiến người dân và chính quyền các địa phương trong vùng bão lũ, nhất là vùng hạ du không kịp trở tay. 

Thủ tướng nêu rõ: Việc vận hành tích nước, xả lũ các hồ chứa nước, bao gồm cả hồ chứa thủy lợi, thủy điện là để điều tiết nước phục vụ sản xuất, đời sống và bảo đảm an toàn cho người dân và công trình. Theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, trường hợp vận hành xả lũ hồ chứa làm dâng đột ngột mức nước tại hạ lưu thì chủ đập phải có biện pháp báo động, thông báo trước để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có dung tích nhỏ, nhất là các hồ chứa thủy điện nên khả năng điều tiết lũ kém. Đồng thời, việc dự báo sớm dòng chảy đến các hồ chứa còn khó khăn dẫn tới việc vận hành tích nước, xả lũ của hồ chứa còn bị động, thời gian thông báo xả lũ ngắn. Do đó, việc cắt giảm lũ cho hạ du trong một số trường hợp vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại do xả lũ; rà soát điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý an toàn đập. Ban hành và tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành hồ và liên hồ chứa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các sai phạm. Xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du để chủ động ứng phó khi các hồ chứa xả lũ. Nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo sớm về tình hình mưa lũ. Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, báo động xả lũ, trước hết là đối với các hồ thủy điện, thủy lợi dung tích lớn.

Sẽ có cơ chế tuyển dụng nhân tài quốc tế

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Nam về việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao quốc tế về giúp Chính phủ, Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương trọng dụng người có tài năng để tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều trí thức, chuyên gia được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực.

Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của Cộng đồng dân tộc Việt Nam. Có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, nhất là chuyên gia giỏi, đầu ngành, cán bộ trẻ, tài năng. Tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà quản lý là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc và tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các đề án, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng người có tài tài năng là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,517

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]