Chính sách mới >> Tham nhũng 18/09/2013 16:03 PM

"Có tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng không?”

18/09/2013 16:03 PM

TTO - Đó là một trong những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng nay (18-9) thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Khen thưởng hình thức

Trình bày báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm ủy ban Nguyễn Văn Hiện cho rằng “trong nhận thức và tư tưởng nhiều người dân vẫn cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người dân tố cáo tham nhũng có thể bị trả thù, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản không chỉ đối với người tố cáo mà cả người thân của gia đình họ, chỉ trong trường hợp hành vi tham nhũng có liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người tố cáo thì họ mới phải tố cáo”.

“Phát hiện và tố cáo tham nhũng vẫn chưa trở thành ý thức trách nhiệm của người dân” - ông Hiện nói.

Trong khi đó, theo Ủy ban Tư pháp thì “việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức, có trường hợp dư luận chưa đồng tình (vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng mỗi người)”.

“Có trường hợp người tố cáo tham nhũng từ chối khen thưởng, vì cho rằng vụ việc tham nhũng chưa giải quyết đến nơi, đến chốn, vẫn còn biểu hiện bao che (vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)”.

“Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng? Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì? Các đồng chí phải đánh giá cái này đi chứ” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bức xúc.

Ông Hùng đặt vấn đề: “Công luận, dư luận thế giới và trong nước đánh giá về hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng thế nào? Mình đọc báo cáo của mình thì thấy có nhiều tiến bộ. Nhưng đôi khi đọc, xem thông tin dư luận, báo chí thì thấy buồn lắm. Vậy mà báo cáo của Chính phủ chưa thấy đề cập đến các đánh giá của dư luận, báo chí”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: V.DŨNG 

"Có tiêu cực, bỏ sót, bao che không?"

Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn đặt vấn đề: “Chưa thấy nói rõ trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che không? Có tham nhũng trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng không?”.

“Trách nhiệm của các cơ quan đấu tranh, phòng ngừa thế nào? Ông thanh tra làm hết sức chưa, ông điều tra làm hết trách nhiệm chưa, ông kiểm sát hoàn thành nhiệm vụ chưa? Các đồng chí nói đi, đã làm việc thế nào, nếu không nói được là chưa làm tốt trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nói tiếp.

Chủ nhiệp Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đáp: “Kiểm toán, thanh tra hàng ngàn vụ, phát hiện nhiều sai phạm, lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng chuyển sang điều tra rất ít, chủ yếu xử lý hành chính, vậy thì có tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý không? Rồi đình chỉ điều tra nhiều vụ án, xét xử đưa ra mức án dưới khung hình phạt, vậy có tiêu cực không? Đó là những câu hỏi rất khó trả lời”.

“Dân người ta nói những khu nhà to không phải là nợ xấu đâu"

Bức xúc không kém, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lên tiếng: “Cần có trả lời tại sao các vụ án tham nhũng điều tra, truy tố, xét xử bị kéo dài thời gian. Có những vụ án thông tin ra công luận rồi, tưởng là rõ ràng rồi, nhưng cuối cùng lại đi vào im lặng. Ngay cả tôi ở trong trung ương nhiều khi cũng rất băn khoăn, mà ở trung ương được cho là nơi có nhiều thông tin nhất rồi. Nếu thông tin cứ mập mờ như vậy, đến ngay cả tôi là ủy viên trung ương còn băn khoăn, thì dư luận còn đâu niềm tin nữa”.

Ông nêu ví dụ: Vụ Dương Chí Dũng ở Hải Phòng, tôi nghe thông tin rất nhiều, liên quan đến nhiều cán bộ, nhưng rồi xử lý đến đâu? Tôi đề nghị cứ ba tháng một lần phải công khai thông tin quá trình xử lý các vụ án tham nhũng. Mình cứ âm thầm như vậy, thông tin mù mờ như vậy thì dân người ta hoài nghi, hoài nghi về Đảng, về chế độ.

Theo ông Phước, dân trộm cắp vài triệu bạc thì bỏ tù, nhưng cán bộ sai phạm mấy tỷ đồng lại hưởng án treo, hoặc xử lý hành chính. Tham nhũng lan rộng, ngay ở lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chính sách với người có công, rồi trong y tế đến xét nghiệm cũng có tham nhũng…

“Dân người ta nói những khu nhà to không phải là nợ xấu đâu, có người mua cả rồi đấy, người ta nghỉ hưu là về ở thôi, miền Bắc thì tập trung mua nhà ở Hà Nội, miền Nam thì tập trung vào TP.HCM…” - ông Phước chỉ rõ.

Lê Kiên

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,297

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]