Chính sách mới >> Tham nhũng 14/06/2013 14:13 PM

14/06/2013 14:13 PM

TTO - Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng nay (14-6) về xử lý tội phạm tham nhũng. Còn Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang cho từ cuối tháng 6-2013 sẽ thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Nhân dân hoài nghi

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đặt vấn đề: “Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng việc xét xử nhóm tội phạm tham nhũng, kinh tế án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của nhân dân về sự nghiêm minh của pháp luật. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này?”. Bà Hoàng cũng chất vấn về tình trạng chất lượng tranh tụng tại tòa chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đâu là giải pháp? 

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) hỏi: “Số liệu thống kê tội phạm là căn cứ quan trọng để đề ra giải pháp phòng, chống. Đề nghị viện trưởng cho biết con số thống kê hằng năm báo cáo Quốc hội có phản ánh đúng tình hình thực tế không? Ví dụ tham nhũng nghiêm trọng nhưng số vụ phát hiện hằng năm rất ít”. 

Đại biểu nói đúng

“Tình hình án kinh tế và tham nhũng đang rất phức tạp, tại sao xử có mức độ và án treo nhiều? Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra tại sao án treo nhiều như thế? Chúng tôi đồng tình với đại biểu là án kinh tế nhiều, xử treo nhiều tạo ra suy nghĩ là chúng ta thiếu quyết tâm trong đấu tranh phòng chống tội phạm”, ông Hòa Bình thừa nhận.

Ông Bình cho biết: "Tính đến thời điểm này thì án kinh tế, án tham nhũng tỉ lệ xử án treo 30,8%, cao hơn các loại án khác. Nguyên nhân do chính sách xét xử án kinh tế là phải thu hồi được tiền, tài sản, khắc phục hậu quả và phạt. Khi đã khắc phục được hậu quả thì việc đặt ra hình phạt tù là không cao. Còn đối với án tham nhũng, tỉ lệ xử treo cũng cao nhưng chúng tôi đồng tình với trả lời của chánh án trước Quốc hội là kiểm tra thì thấy phần lớn xét xử đúng quy định của pháp luật. Có 39 trường hợp chúng tôi kháng nghị, trong đó được tòa chấp nhận 26 trường hợp, đã xử tăng mức hình phạt".

Theo viện trưởng, hiện nay nếu căn cứ quy định của luật thì có khá nhiều tình tiết được vận dụng để giảm nhẹ, xử dưới khung. “Chúng tôi đã có chỉ đạo là không được vận dụng 2 tình tiết: nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Tham nhũng đều là cán bộ, nhân thân tốt là tất yếu, cũng không có chuyện coi tình tiết phạm tội lần đầu để giảm nhẹ vì đã tham nhũng rồi khó có cơ hội trở lại làm cán bộ để tham nhũng lần thứ hai”, ông Bình nói.

Tử tù vẫn chờ thuốc độc

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về tình trạng Luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực thi hành hai năm nay nhưng 586 người bị kết án tử hình chưa thi hành án được vì chưa có thuốc độc. “Áp lực giam giữ, tâm lý căng thẳng với cả phạm nhân và cán bộ chiến sĩ. Có những phạm nhân đã viết đơn đề nghị được thi hành án. Trách nhiệm kiểm sát của ngành về việc này như thế nào?”, ông Hiến hỏi.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình trả lời: “Liên quan đến thi hành án tử hình, chúng ta có 586 bản án đã tuyên, trong đó có 117 bản án đã có điều kiện thi hành. Đồng ý với đại biểu là có những áp lực, nhưng việc chậm thi hành cũng là vấn đề nhân đạo. Trong khi chưa thi hành thì các chế độ vẫn đảm bảo. Trong số đang chờ thi hành án này có quá nửa là mắc bệnh lây nhiễm, chế độ chăm sóc y tế, giam giữ phải đảm bảo để tránh tội phạm bỏ trốn hoặc tự tử”. Trước tình trạng khó khăn trong thi hành án, đặc biệt là do nguồn thuốc độc chưa có, ông Bình kiến nghị cần sửa Luật thi hành án hình sự để cho phép tồn tại cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết các điều kiện thi hành án đã được chuẩn bị và đủ cơ sở để thi hành, từ cuối tháng 6-2013 sẽ tiến hành thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Lê Kiên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,746

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]