Chính sách mới >> Tham nhũng 22/04/2013 17:07 PM

Phong bì và đạo đức nghề nghiệp

22/04/2013 17:07 PM

(TVPL) - Trước hiện trạng nhận phong bì, hối lộ trở nên nhức nhối, một số ngành đã thể hiện quyết tâm làm trong sạch đội ngũ và giữ hình ảnh đẹp với người dân. Nhưng có lẽ quy định và chế tài không phải là liều thuốc hiệu quả cho đạo đức.

Tấm gương, chữ “lễ” và tính trung thực

Theo con số thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM, trong quý 1 vừa qua có 600 lượt cảnh sát giao thông không nhận hối lộ với tổng số tiền gần 200 triệu đồng.

Thoạt nhìn thì có vẻ như CSGT đã “ghi điểm đẹp” trong mắt người dân bằng con số khá ấn tượng. Nhưng nếu “bình tâm” lại một chút ta sẽ thấy mặt khác của vấn đề.

Việc tôn vinh xưa nay vốn dành cho những tấm gương tốt, còn người không làm tròn bổn phận hoặc làm việc sai trái thì bị chê trách xử phạt. Nghịch lý bây giờ là ở chỗ, chỉ cần không làm việc xấu (không nhận hối lộ) thì cũng được coi như những điển hình, những tâm gương sáng.

Do vậy, 600 lượt CSGT không nhận hối lộ vô tình lật tẩy rằng các “tấm gương xấu” đang chiếm đa số.

Ngày 9/4 vừa qua,TP HCM tổ chức lớp tập huấn "Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ cảnh sát"nhằm giữ hình ảnh đẹp của công an trong mắt người dân.

Nhưng để đạt tiêu chuẩn “đẹp” thì không hề đơn giản.

Mới đây, một người dân ở TP HCM cho biết, anh bị CSGT phạt vì không bật đèn xe vào ban đêm.CSGT chào hỏi rất thân thiện, nhưng khi đưa ra mức phạt thì CSGT ra hiệu cho anh nhét tiền vào áo mà không có một biên bản hay giấy tờ gì. Lúc về nhà anh tra cứu thông tin thì biết mình “hố” vì bị phạt gần gấp đôi so với quy định.

Những trường hợp như trên không hề hiếm, trên thực tế nhiều CSGT đã lợi dụng người dân không nắm rõ quy định mà đưa ra các mức phạt bừa bãi.

Vậy mới thấy, lễ nghi hình thức và tính trung thực không phải lúc nào cũng song hành.

Y đức và luật pháp

Trong phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội ngày 18/4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất các biện pháp hành chính và tài chính để có chế tài xử phạt cho hành vi nhận phong bì của bác sĩ, y tá.

Giải pháp có phần quyết liệt của bà Tiến được đưa ra trong bối cảnh y đức của những người được gọi là “từ mẫu” rơi vào tình trạng gần như “hết thuốc chữa”.

Ỷ Lan từng tâu với vua Lý Thánh Tông “Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh”. Lời Ỷ Lan thể hiện rõ hai quan niệm của người xưa: đạo đức phải là tự thân, tự giác tự tu; đạo đức có sức cảm hóa hơn cả luật pháp.

Nếu phải lắp đặt camera ở bệnh viện để theo dõi thì quả là hơi xấu hổ với giới thầy thuốc, nếu như họ tự biết xấu hổ. Và các chế tài nếu được hiện thực hóa thì cũng là bất đắc dĩ khi đạo đức đã mất tác dụng.

Trong quan niệm về đạo đức còn có một phạm trù quan trọng khác là lương tâm, lương tâm như tiếng nói bên trong thôi thúc con người làm điều thiện, biết ăn năn xấu hổ khi làm điều xấu.

Tuân thủ cứng nhắc các quy định mà không có tâm lương thiện thì chắc chắn không phải là y đức.

Trong phiên họp ngày 18/4, bà  Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi tự trọng trong nội bộ ngành y tế, nhưng có lẽ thông điệp về tự trọng không dành riêng cho bất cứ ngành nào.

Linh Nguyên 


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,161

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]