Chính sách mới >> Tham nhũng 07/10/2020 14:30 PM

Quy định về nhận quà tặng đối với cán bộ, công chức, VC

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
07/10/2020 14:30 PM

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, pháp luật quy định cụ thể về việc nhận quà tặng với người có chức vụ, quyền hạn là cán bộ, công chức, viên chức.

Cán bộ, công chức, viên chức có được nhận quà tặng?

Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung:

- Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà;

- Loại và giá trị của quà tặng;

- Thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng;

- Mối quan hệ với người tặng quà.

công chức không được ngận quà tặng

Xử lý vi phạm khi nhận quà tặng trái quy định

Đối với cán bộ, công chức

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu là lần đầu vi phạm, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

- Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

- Kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm.

- Kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm.

- Kỷ luật bằng hình thức Cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu:

+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm.

+ Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

- Kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức:

+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.

+ Có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với viên chức

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu là lần đầu vi phạm, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

- Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nếu:

+ Đã bị khiển trách mà tái phạm.

+ Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

- Kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lýnếu:

+ Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

+ Đã bị cảnh cáo mà tái phạm.

- Kỷ luật bằng hình thứ buộc thôi việc nếu:

+ Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm.

(Căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức).

Đối với những vi phạm đến mức chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị xem xét xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,567

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]