Chính sách mới >> Tham nhũng 24/12/2011 08:54 AM

24/12/2011 08:54 AM

Kiểm soát và chế ước những chủ thể nắm giữ quyền lực công là chức năng quan trọng của pháp luật với ý nghĩa là một hệ thống nói chung, song nó đặc biệt gắn với Hiến pháp – đạo luật gốc của một quốc gia. Một bản Hiến pháp tốt đồng nghĩa với việc nó có tác động tốt đến phòng, chống tham nhũng và xây dựng một cơ chế liêm chính quốc gia.

Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng,   chống tham nhũng

Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng

Theo Ngân hàng Thế giới, “tham nhũng là lạm dụng các quỹ hay/hoặc chức vụ công để thu lợi ích chính trị hay lợi ích vật chất riêng”. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), “tham nhũng là lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi riêng”.

Còn theo Rose Ackerman – một chuyên gia quốc tế nổi tiếng về phòng, chống tham nhũng – “tham nhũng là việc sử dụng sai quyền lực được giao để thu lợi ích riêng”... Như vậy, một cách chung nhất, có thể hiểu tham nhũng là việc lạm dụng chức vụ hay quyền lực công hoặc tư để thu lợi ích riêng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tham nhũng có mối liên hệ không thể tách rời với quyền lực và việc sử dụng quyền lực.

Trong thực tế, hành vi tham nhũng chủ yếu là sự lạm dụng quyền lực nhà nước, bởi các cơ quan, công chức nhà nước. Do đó, khái niệm quyền lực trong tham nhũng cơ bản đề cập đến quyền lực nhà nước. Ở đây, tham nhũng có tính chất là một “căn bệnh’ chung, cố hữu của mọi nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào.          

Năm 1887, Lord John Acton (1834-1902) – một nhà sử học người Anh – đã đưa ra một nhận định mà sau đó được trích dẫn bởi các nhà luật học và chính trị học như là một luận điểm “kinh điển”: “Quyền lực dẫn tới sự tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn tới sự tha hóa một cách tuyệt đối”.

Tuyên bố nổi tiếng kể trên đã chỉ rõ một đặc điểm mang tính quy luật của quyền lực, đó là xu hướng tất yếu dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền của những chủ thể (cá nhân, tổ chức) nắm giữ quyền lực. Rõ ràng là bất cứ ai, bất cứ thiết chế hay tổ chức nào, kể từ khi được trao cho hay giành được quyền lực, dù ở bất cứ dạng thức nào, đều có xu hướng và tìm cách áp đặt ý tưởng, mong muốn, tham vọng, kế hoạch, dự định… của mình lên các chủ thể khác.

Quyền lực có ma lực khiến cho các chủ thể nắm giữ nó nhanh chóng trở lên kiêu ngạo, bảo thủ, ngông cuồng, hoang tưởng, viển vông và ích kỷ, xa rời những mục tiêu cao cả ban đầu mà họ đã đặt ra – những mục tiêu mà khiến cho những chủ thể nắm giữ và không nắm giữ quyền lực hòa thành một khối.

Trong tiến trình phát triển, vấn đề đặt ra cho nhân loại là phải tìm cách giải quyết sự tha hóa của quyền lực, hay nói cách khác là sự lạm quyền, lộng quyền của những chủ thể nắm giữ quyền lực. Nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi này, nhân loại sẽ không thể giải quyết được vấn nạn tham nhũng. Mở rộng hơn, nếu không tìm được cách kiểm soát những chủ thể nắm giữ quyền lực, nền văn minh nhân loại bao hàm rất ít ý nghĩa nhân văn, thậm chí có khía cạnh còn tệ hơn trật tự dã man trong thế giới động vật, bởi lẽ trong xã hội loài người, kẻ mạnh (nắm giữ quyền lực) thường có những thủ đoạn rất tinh vi để áp bức kẻ yếu (những chủ thể không nắm giữ quyền lực). Năng lực “sáng tạo” ra những thủ đoạn tinh vi như vậy của con người vượt xa bất kỳ loài động vật nào khác.

Kiểm soát và chế ước những chủ thể nắm giữ quyền lực công là chức năng quan trọng của pháp luật với ý nghĩa là một hệ thống nói chung, song nó đặc biệt gắn với Hiến pháp – đạo luật gốc của một quốc gia. Đó là bởi, nói như Thomas Paine: “Hiến pháp không phải là đạo luật của một chính phủ, mà là đạo luật của một dân tộc nhằm cấu thành nên chính phủ..”. Rõ ràng hơn, Patrick Henry tuyên bố: “Hiến pháp không phải là một công cụ của chính phủ để đàn áp nhân dân, mà là một công cụ để nhân dân kiềm chế chính phủ ..”.

Đây cũng là tư tưởng của lý thuyết về chủ nghĩa Hiến pháp (hay chủ nghĩa hợp hiến – constitutionalism) – vốn xuất phát từ các học thuyết chính trị của John Locke, theo đó quyền lực của nhà nước cần phải được giới hạn bởi pháp luật, mà cụ thể là bởi Hiến pháp và nhà nước phải tuân thủ những giới hạn luật định đó trong hoạt động. Nói cách khác, không giống với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật của quốc gia, Hiến pháp – dù dưới bất kỳ chính thể nào – xét bản chất cũng đều là văn bản quy định về tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước. So với các văn bản pháp luật khác của một quốc gia, Hiến pháp thể hiện tập trung và nổi bật nhất nguyên tắc quyền lực cao nhất và tuyệt đối thuộc về nhân dân, quyền lực của nhà nước chỉ là phái sinh, do nhân dân trao cho, có giới hạn và phải bị kiểm soát.

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rõ mối quan hệ giữa Hiến pháp và cuộc chiến chống tham nhũng. Trong mối quan hệ này, Hiến pháp đóng vai trò là công cụ pháp lý nền tảng cho việc thiết lập các thiết chế, cơ chế phòng ngừa tham nhũng ở một quốc gia, thông qua chức năng tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước của nó. Một bản hiến pháp được coi là tốt khi kiến tạo được một thiết chế tổ chức quyền lực hợp lý, tạo cơ sở cho việc ngăn chặn và xử lý những hành vi tùy tiện, lạm dụng quyền lực của các cơ quan, quan chức nhà nước. Theo nghĩa đó, một bản Hiến pháp tốt đồng nghĩa với việc nó có tác động tốt đến phòng, chống tham nhũng và xây dựng một cơ chế liêm chính quốc gia.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung - TS Vũ Công Giao (còn tiếp)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,286

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]