Chính sách mới >> Tham nhũng 03/07/2017 09:57 AM

Tòa đề nghị định lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như

03/07/2017 09:57 AM

Ngoài đề nghị truy cứu Huỳnh Thị Huyền Như tội tham ô 1.085 tỷ đồng của 5 công ty chứ không phải lừa đảo, TAND TP.HCM cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc bồi thường số tiền trên.

Huyền Như

Huyền Như tại tòa phúc thẩm tháng 1-2015 - Ảnh: Thuận Thắng

Tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM giai đoạn 2, TAND TP.HCM đã tiếp tục đề nghị làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như.

Giai đoạn 2 của vụ án là xem xét hành vi chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của Như đối với 5 công ty: công ty Hưng Yên, An Lộc, Tổng công ty bảo hiểm Toàn cầu, Công ty chứng khoán Saigonbank - Berjaya và Công ty CP chứng khoán Phương Đông.

Ai bồi thường 1.085 tỷ đồng?

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất từ trước đến nay là việc xác định tội danh của Huyền Như và ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường hàng ngàn tỉ mà Huyền Như đã chiếm đoạt.

Cả hai vấn đề này đều được TAND TP.HCM yêu cầu làm rõ trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung mới đây.

Tại quyết định này, TAND TP. HCM cho rằng để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của các cá nhân, đơn vị gửi tiền vào Vietinbank để nhận lãi suất cao.

Sau khi 5 đơn vị mở tài khoản thanh toán tiền gửi vào Vietinbank và chuyển vào tổng số tiền hơn 1.085 tỷ đồng, Huyền Như đã đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chuyển toàn bộ số tiền này ra khỏi hệ thống gửi tiền của Vietinbank rồi chiếm đoạt.

TAND TP. HCM nhận định hành vi của Như đã phạm vào tội tham ô tài sản chứ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Viện KSND tối cao đã truy tố.

Khi điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2, tháng 7-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 10 bị can khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Quá trình nghiên cứu để chuẩn bị xét xử vụ án, TAND TP. HCM nhận thấy tất cả các bị can đều kêu oan, thời gian gia hạn điều tra lại quá ngắn, không đảm bảo khách quan của vụ án. TAND TP. HCM cho rằng việc truy tố 10 bị can này là hoàn toàn độc lập với vụ án Huyền Như.

Vì vậy, để đảm bảo vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được đưa ra xét xử nhanh chóng, TAND TP. HCM đã đề nghị cơ quan điều tra tách vụ án đối với 10 bị can nêu trên để phục vụ công tác điều tra, đảm bảo thời gian tố tụng phù hợp.

Bên cạnh đó, TAND TP. HCM cũng đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác minh tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số tiền các đơn vị gửi tại Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Huyền Như tham ô chứ không phải lừa đảo

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, tháng 1-2014, Huỳnh Thị Huyền Như bị TAND TP.HCM tuyên phạt án tù chung thân cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (số tiền gần 4.000 tỉ đồng) và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tháng 2-2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án nêu trên để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như trong việc chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng.

Tòa phúc thẩm cho rằng số tiền 1.085 tỷ đồng là do Huyền Như tham ô của VietinBank chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.

Tuy nhiên sau khi điều tra giai đoạn hai, Viện KSND tối cao vẫn kết luận Huyền Như không tham ô tài sản như ý kiến của tòa phúc thẩm.

Cáo trạng vụ án được chuyển đến TAND TP.HCM để xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Quá trình thụ lý vụ án, TAND TP.HCM tiếp tục có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ với quan điểm như trên.

Theo Tuổi trẻ

Tâm Lụa

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 20,507

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]