Chính sách mới >> Tham nhũng 08/07/2011 16:44 PM

08/07/2011 16:44 PM

Nhà nước không thể không kiểm soát trữ lượng khoáng sản, để doanh nghiệp được toàn quyền quyết định mức thuế phải nộp, bởi như thế chính là tạo đất cho tham nhũng.

Bàn tròn ngày 17/5 chuẩn bị cho Đối thoại phòng, chống tham nhũng (PCTN) cuối tháng này với chủ đề "Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam" đã mổ xẻ các nguy cơ tham nhũng trong công nghiệp khai khoáng.

'Không giấy phép nào không theo quy hoạch'

Có sự đồng thuận cao từ các tham luận trình bày tại hội nghị khi chỉ ra những kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản, khiến tham nhũng trong ngành đang thật sự là điểm nóng. Từ tham luận của Thanh tra Chính phủ, của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật Hà Nội, Viện tư vấn Phát triển...

Kể cả với luật Khoáng sản sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới, dù chỉ ra rất nhiều điểm tiến bộ cả trong chiến lược, quy hoạch, rõ ràng về trách nhiệm chủ thể có liên quan, quy định phải công khai quy hoạch, nhất là quy định đấu giá quyền khai thác sẽ hạn chế cơ chế xin - cho..., nhưng TS Vũ Thu Hạnh - ĐH Luật Hà Nội vẫn nêu những nguy cơ tham nhũng có thể xuất hiện trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, điều tra địa chất, thăm dò, khai thác.

Khai thác khoáng sản ở Cao Bằng. Ảnh: Kiên Trung
Hay như câu hỏi của ông Nguyễn Đức Quang (VP Luật sư Nguyễn An Quang và cộng sự), dù luật có cho phép tổ chức đấu giá bình đẳng, nhưng các doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực rất lớn, làm sao khu vực tư nhân có thể cạnh tranh? Nhưng theo đại diện của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Nhà nước chỉ ưu tiên cho một số khoáng sản quan trọng như dầu khí, than hay bô-xít, còn lại doanh nghiệp tư nhân "được thả sức cạnh tranh".

Bộ cũng khẳng định tất cả các giấy phép do bộ cấp, "không có cái nào không theo quy hoạch", thậm chí việc cấp phép cho khai thác titan đến năm 2010 chỉ là 460.000 tấn, đúng với quy hoạch đến năm 2010, còn sau 2010 muốn khai thác tiếp thì phải chờ có quy hoạch mới.

Điểm bất cập nhất của chính sách hiện tại là việc Nhà nước thu ngân sách hoàn toàn trên cơ sở doanh nghiệp khai báo trữ lượng cũng như giá thành phẩm, như ông Lại Hồng Thanh (Phó Chánh VP Bộ Tài nguyên - Môi trường) thừa nhận rằng cơ chế giám sát sản lượng khai thác chưa chặt chẽ.

Một thành viên đến từ ĐH Luật làm phép so sánh, "giống như bạn có một cái ví, nhưng hoàn toàn không biết trong ví có bao nhiêu tiền. Bạn đưa ví cho tôi, bảo tôi cứ đếm tiền trong ví, rồi cầm tiền đó đi tiêu, về thì thông báo là tiêu gì. Nghe thì có vẻ minh bạch, nhưng điểm quan trọng nhất là trong ví có bao nhiêu tiền thì bạn lại hoàn toàn không biết".

Câu hỏi được thảo luận là liệu khi khắc phục những sơ hở, bất cập trong luật và quy định thì có khắc phục được sai phạm không? Phải chăng do việc xử lý sai phạm chưa nghiêm nên không đủ tính răn đe?

Tụt hậu xa

Nhiều giải pháp PCTN đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi, tập trung ở tính minh bạch, công khai, cơ chế giám sát các nguồn thu với sự tham gia của đầy đủ các bên liên quan. Trước đề xuất của nhiều đại biểu về việc công khai toàn bộ các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do các tỉnh cấp, chứ không chỉ giấy do Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp như hiện nay, Cục phó Trịnh Xuân Bền (Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam) khẳng định sẽ làm, nhưng "phải lâu lâu một chút, vì kết nối giữa các địa phương, cập nhật liên tục sẽ phức tạp hơn, do nhiều giấy phép của địa phương rất nhỏ, có khi 6 tháng, 1 năm lại cấp một lần".

Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, việc áp dụng sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) giúp cải thiện môi trường đầu tư, tạo hình ảnh minh bạch của chính phủ cũng như của quốc gia, tăng cường trách nhiệm và quản trị tốt, thúc đẩy bền vững kinh tế và chính trị.

Đại diện của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) Indonesia, Rezki Wibobo đã chia sẻ kinh nghiệm về quá trình vượt qua những thách thức từ phía chính phủ, khi cũng như Việt Nam, ngành dầu khí đang do một công ty nhà nước kiểm soát, các thông tin về ngành hoàn toàn là bí mật, một cơ quan của chính phủ được phân công thực hiện việc giám sát. Tuy nhiên, chính Tổng thống là người quyết định áp dụng EITI. 

Đại diện Bộ Phát triển Anh thì nhấn mạnh đến lòng tin giữa các cơ quan hữu quan để tăng cường tính minh bạch, còn việc tham gia EITI là tiến trình quan trọng, không phải quyết định lựa chọn là thực hiện được ngay mà phải qua thử nghiệm.

"Tham nhũng trong công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam cũng nghiêm trọng như một số lĩnh vực khác", theo nhận định của phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng Lê Văn Lân. TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng "so với Indonesia, ta tụt hậu rất xa. Ta hãy thử thực hiện công khai minh bạch, nhấn vào một số trường hợp cụ thể, từ đó rút ra kinh nghiệm, để lần sau gặp lại có thể ghi nhận một số tiến bộ".

Khánh Linh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,788

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]