Bà Lê Thị Thu Ba |
Xin bà cho biết các Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đề cập đến nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng như thế nào?
Bà Lê Thị Thu Ba: Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về cải cách tư pháp, trong đó có những nội dung về tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, xác định công tác tư pháp phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức… Tiếp đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhấn mạnh phải quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Sau 10 năm thực hiện (2005-2015), về thể chế pháp lý, chúng ta đã hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm nói chung, với các hành vi tiêu cực, tham nhũng nói riêng.
Trên phương diện đấu tranh trực tiếp, các cơ quan tư pháp đã chủ động, tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã bị đưa ra xét xử. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đã dần hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm, khắc phục một bước hiện tượng xử lý hành chính các hành vi tham nhũng thay vì phải xử lý về hình sự.
Kinh nghiệm thực tiễn 10 năm qua cho thấy đấu tranh chống tham nhũng có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhưng đấu tranh thông qua các công cụ pháp luật và tư pháp là biện pháp đấu tranh công khai, minh bạch, hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình, vì vậy tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ trong việc củng cố lòng tin của người dân vào pháp luật, vào chế độ XHCN.
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016, Chương trình có những nội dung gì liên quan tới phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Ba: Chương trình (ban hành năm 2011) đã xác định các nhiệm vụ quan trọng như: Hoàn thiện thể chế để khắc phục những kẽ hở của pháp luật có thể bị những phần tử tiêu cực, tham nhũng lợi dụng; hoàn thiện pháp luật tố tụng tư pháp, hoàn thành việc nghiên cứu xác định rõ mô hình tố tụng hình sự Việt Nam; hoàn thiện thể chế và có giải pháp thực hiện có hiệu quả trên thực tế chủ trương tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp, trọng tâm là cán bộ có chức danh tư pháp. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp có kỹ năng nghề nghiệp, có kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sạch, có bản lĩnh chính trị, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, đảm bảo phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong giám sát hoạt động tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp Quốc hội và HĐND. Xây dựng cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia giám sát, thúc đẩy sự công khai, minh bạch, tiến bộ của các hoạt động tư pháp. Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo mọi hoạt động tư pháp đều được thực hiện khách quan, công bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Đó là định hướng quan trọng để một mặt, các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh trực tiếp với các hành vi tiêu cực, tham nhũng; mặt khác đấu tranh ngăn chặn những hành vi tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã phân công các cơ quan tư pháp ở Trung ương xây dựng các đề án về thực trạng và các giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi bộ, ngành mình.
Xin bà cho biết một số giải pháp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thời gian tới?
Bà Lê Thị Thu Ba: Có thể nói giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thì có nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
- Tập trung cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, về việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp, Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các luật có liên quan đến hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc, hiệu quả, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phòng, chống tội phạm, khắc phục về cơ bản những kẽ hở của thể chế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong các hoạt động tư pháp. Rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tư pháp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi tham nhũng.
- Hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng kế thừa những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiến bộ của mô hình tố tụng, tranh tụng, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch của hoạt động tư pháp. Hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng và hiệu quả tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tham gia tố tụng.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giám định viên, chấp hành viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý)…
- Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp để tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tố giác vi phạm pháp luật và các hành vi tiêu cực của cán bộ thực hiện hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Xét xử nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.
- Xác định cơ chế để bảo đảm tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, của cơ quan công luận, báo chí và nhân dân đối với các hoạt động tư pháp.
- Trước mắt, các cơ quan tư pháp ở Trung ương được phân công cần khẩn trương hoàn thiện các đề án về thực trạng và các giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi bộ, ngành trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến vào phiên họp thứ XXI (tháng 6/2015) để sớm đưa vào áp dụng.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Lê Sơn (thực hiện)
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ