Các vị khách mời trong buổi Tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tham gia buổi tọa đàm có các vị khách mời:
- Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
- Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
- Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
- Ông Ngô Trí Long-– chuyên gia kinh tế.
Dưới đây là nội dung buổi Tọa đàm.
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Nguyễn Anh Tuấn. Thưa ông, “giá điện tăng đột ngột” là nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế trên mặt báo những ngày qua. Quan điểm của ông về nhận xét này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện theo khung giá của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 69 năm 2013 về điều chỉnh giá điện, theo đó các thông số cơ bản quyết định giá điện có sự thay đổi mức độ tăng từ 7,5- đến 10 % thì EVN xây dựng phương án giá trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt. Nếu biến động tăng từ 10% trở lên Bộ Công Thương sẽ phê duyệt phương án gửi Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.
Từ 1/8/2013 đến nay, giá điện đã giữ ổn định. Trong hơn 1 năm, các thông số cơ bản đầu vào đã biến động tăng so với các thông số đã quy định tại ngày 1/8/2013. Trên cơ sở đó EVN đã lập phương án giá trình Thủ tướng điều chỉnh theo quy định.
Ông Ngô Trí Long: Hôm nay (16/3) đã bắt đầu thực hiện theo giá điện mới. Cuộc tọa đàm này đáng lẽ phải có đại diện của EVN để nghe tiếng nói của công luận cũng như của người tiêu dùng, nhà nghiên cứu.
Từ năm 2007 đến nay, giá điện đã tăng 7 lần và kể từ 16/3/2015 thì đây là lần tăng giá thứ 8. Lần này tăng biên độ tương đối lớn so với các lần trước. Chính sự tăng cao như vậy đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Bởi lẽ không phải người tiêu dùng không chia sẻ khó khăn với ngành điện mà người tiêu dùng chưa đồng thuận vì sự minh bạch trong hoạt động của EVN. Tất cả hoạt động của EVN hiện nay chưa thực sự có hiệu quả mà lại đổ lên người tiêu dùng, đây là điều bất cập, khiến cho người tiêu dùng chưa đồng thuận. Theo quan điểm của tôi, để tạo sự động thuận với người tiêu dùng, đề nghị mỗi lần tăng giá điện phải có sự minh bạch rõ ràng hơn trong việc tính toán giá điện.
Việc tăng giá điện là do tăng giá nguyên liệu đầu vào của điện như xăng-dầu, than, khí, rồi việc chi trả việc chênh lệch lãi suất trong thời gian qua. Ở góc cạnh thị trường thì là điều chấp nhận được. Tuy nhiên những chi phí khác như hao tổn điện năng, năng suất lao động thấp mà nhân lực nhiều,… đã và đang được tính toán vào giá điện. Cục Quản lý giá có thể cho biết thực trạng những chi phí này trong giá thành điện như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong phương án điều hành giá điện vừa qua tăng 7,5% là thấp nhất, từ 1/8/2013 đến nay các thông số đầu vào theo báo cáo của EVN đã thay đổi 12,8%, nhưng các cơ quan thẩm quyền chấp nhận 7,5% là thấp nhất trong các phương án và đã tính đến tác động CPI. Mức độ đưa ra phương án tăng 7,5% phù hợp mặt bằng thị trường và yếu tố thay đổi thị trường các yếu tố đầu vào. Vừa qua, Bộ Công Thương đã kiểm tra, kiểm toán giá điện công khai kết quả này. Đây là bước công khai minh bạch để người tiêu dùng có thể giám sát được.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Việc khắc phục những hạn chế này đã được ngành Điện lập kế hoạch cụ thể và thực hiện chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi nghĩ rằng EVN đã đã rất nỗ lực để cải thiện việc này và trong giá thành công khai cũng đã rất chi tiết các yếu tố cấu thành giá thành sản xuất điện.
Ông Ngô Trí Long có bình luận gì thêm về vấn đề này không, thưa ông?
Ông Ngô Trí Long: Tính toán giá thành điện phức tạp vì hạch toán từ trên xuống dưới. Cần có cuộc đại phẫu thuật, cơ quan chuyên môn kiểm tra độc lập. Theo báo cáo kiểm toán và thanh tra, thì lý do ban đầu ngành Điện làm ăn không hiệu quả, hay đầu tư ngoài ngành, năng suất kém, tổn thất lớn. Các cái đó đưa vào giá thành, lỗ do chủ quan, quản trị kém, cuối cùng để người tiêu dùng chịu thiệt. Vì vậy, để người tiêu dùng chấp thuận cần có cuộc “đại phẫu thuật”, phải có các cơ quan tư vấn độc lập đủ chuyên môn mới giải quyết được. Còn như hiện nay, EVN báo cáo, Cục Điều tiết điện lực xem xét, còn cơ quan chức năng Bộ Công Thương phần lớn đứng về nhà sản xuất và đơn vị độc quyền, ít khi về người tiêu dùng. Họ có những phát ngôn ít được đồng tình ví dụ “giá điện tăng mọi người hưởng lợi” hoặc “không tăng giá thì EVN phá sản”. Do đó các cơ quan chức năng cần công tâm, cần phải có cuộc kiểm tra tổng thể, cần có nguồn lực đầy đủ để xem xét chính xác sự việc.
Ông có thể lý giải tại sao gần như cùng một lúc giá điện và xăng lại tăng như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thời gian qua đang tận dụng triệt để độ ổn định để phục hồi?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay giá xăng dầu đang điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bám sát tín hiệu giá xăng dầu của thế giới, đồng thời chúng ta đang điều hành theo Nghị định 83 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 39 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Như vậy ta đang bám sát theo giá xăng dầu thế giới và ta điều chỉnh tăng hoặc giảm.
Có thể đây là sự trùng hợp trong tháng 3, giá xăng dầu thế giới có sự điều chỉnh tăng vào hôm 11/3 vừa rồi và ngẫu nhiên rơi vào việc tăng giá điện vào 16/3. Tôi cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện cần bám sát các tín hiệu của thị trường để có sự điều tiết phù hợp. Qua theo dõi chúng tôi thấy việc điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường, đặc biệt là chỉ số CPI sẽ tác động vào tháng 3 và tháng 4 tới.
Riêng về điều hành giá xăng được dư luận khá đồng tình, tuy nhiên, ông Quyền có thể cho biết liệu còn khó khăn nào trong điều hành giá xăng hay không?
Ông Võ Văn Quyền: Giá xăng dầu hiện nay đã hoàn toàn theo cơ chế trị trường, giá phản ánh đầy đủ chi phí hợp lý hợp lệ và theo tín hiệu giá thế giới.
Như đã biết, 70% hàng xăng dầu nhập thế giới, quy định điều chỉnh rất rõ trong Nghị định 83 cũng như Thông tư liên tịch 39. Ví dụ mới đây lẽ ra trong Tết điều chỉnh 2.400 đồng /lít, vừa rồi điều chỉnh 1.000 đồng/lít nữa, theo thị trường thì phải tăng 3.500 đồng/lít. Ta sử dụng quỹ bình ổn như van giảm sốc tăng giá, giảm thì tối đa, tăng thì cố gắng giảm sốc (chỉ điều chỉnh chỉ điều chỉnh 1.600 đồng/lít).
Khi có lợi cho người tiêu dùng, sản xuất, từ tháng 7/2014 đến nay rõ ràng đã có 15 lần điều chỉnh trong đó 14 lần giảm, mức giảm 10.000 đồng/lít. Vừa rồi tăng 1.600 đồng/lít, tăng khoảng 10%, nhưng nhìn chung xu thế giảm giá là chủ yếu, vẫn đang có xu hướng tác động có lợi cho sản xuất.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ông Võ Văn Quyền đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá một số mặt hàng năng lượng (đặc biệt là giá xăng) đối với giá cả các mặt hàng đầu vào khác của sản xuất, tiêu dùng và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp? Nhất là tác động tới chỉ số CPI?
Ông Võ Văn Quyền: Như mọi người biết xăng dầu là nguyên liệu đầu vào cho tiêu dùng đầu-cuối. Tức là khi mua xăng xe để chạy, dầu đun nấu thì sẽ tăng/giảm trực tiếp vào giá hoặc sẽ tăng đầu vào của các mặt hàng sản xuất nông-lâm-chế biến-vận tải. Rõ ràng việc điều chỉnh giá tăng/giảm giá xăng dầu tác động vào tăng/giảm giá của tiêu dùng đầu-cuối cũng như trung gian. Chính vì vậy, Chính phủ theo tín hiệu của thị trường nhưng phải có điều tiết là ở chỗ này. Không thể nhìn ngắn hạn 1-2 lần tăng giá trong quá trình điều hành giá của liên Bộ cũng như của Chính phủ trong một thời gian dài đảm bảo không làm sốc nhưng tính toán cân đối có lợi nhất cho người tiêu dùng nhưng vẫn phải theo tín hiệu thị trường. Đây là nguyên tắc.
Nhìn từ phía cơ quan thuế, có dự đoán nào tác động của việc tăng giá này đến nhiệm vụ của ngành trong năm 2015 không?
Ông Phạm Đình Thi: Tăng giá dầu, hay giá điện tác động đầu vào sản xuất kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm. Dưới góc độ thu NSNN, khi tác động đến sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh càng cao, lợi nhuận cao thu NS tăng lên. Tuy nhiên, ở đây riêng với xăng dầu việc tăng như đại diện Bộ Tài chính và Công Thương là do kiên trì điều hành theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Do đó, biến động giá xăng dầu chủ yếu do giá thế giới. Vừa qua, các quy định về điều hành xăng dầu đã công khai minh bạch, điều chỉnh giá là tất yếu và phù hợp với mục tiêu kiên trì theo cơ chế thị trường.
Thưa ông Võ Văn Quyền, việc tăng giá như thế này có tác động gì tới chỉ số CPI của nước ta?
Ông Võ Văn Quyền: Như tôi đã nói, việc điều chỉnh giá xăng dầu là một trong yếu tố ảnh hưởng đến tăng/giảm giá hàng hóa, thể hiện trong chỉ số CPI. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong chuỗi dài giảm từ tháng 7/2014, đặc biệt trong 4 tháng (11,12/2014 và tháng 1,2/2015), nhờ giá xăng dầu giảm làm cho giá CPI chung giảm. Cụ thể, tháng 2 giảm 0,05% trong đó nhóm GTVT, giá xăng góp phần vào 0,39% với mức giảm riêng của nhóm đó là 4,41%. Còn tháng 1, mức giảm tác động vào trên 3,39% làm CPI tăng 0,2%.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng dầu lần gần đây nhất làm CPI tăng 0,03%. Rõ ràng giá xăng dầu tăng/giảm tác động vào giá. Nhưng phải nói rõ ràng rằng, ở các nước hay Việt Nam hiện nay tính CPI chung, trong đó có đo lạm phát qua CPI chia làm 2 loại. Loại lạm phát tổng thể chung trong đó bao gồm tác động của năng lượng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Nhưng đối với lạm phát cơ bản thì loại trừ yếu tố giá năng lượng, xăng dầu, loại trừ giá lương thực, thực phẩm tác động bởi mùa vụ, thiên tai khó đoán định để đo lạm phát cơ bản là bao nhiêu. Trong trường hợp này ta thấy cuối năm vừa rồi cũng như 4 tháng liên tục từ tháng 11 đến nay, chỉ số nhìn có vẻ âm nhưng lạm phát cơ bản vẫn là dương, con số rất nhỏ vẫn trong sự kiểm soát của Chính phủ.
Dư luận e ngại giá nhiều mặt hàng khác sẽ “tát nước theo mưa”- tăng lên, vậy Bộ Tài chính có giải pháp gì để kiểm soát giá cả một cách hợp lý nhất, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như trường hợp giá cước vận tải mới đây?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngay khi giá xăng dầu điều chỉnh theo thị trường, cũng như tăng giá điện, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố, bám sát mục tiêu theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó có các giải pháp đưa ra như: thứ nhất, theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả một số mặt hàng mà Nhà nước xem xét định giá. Thứ hai, các mặt hàng thiết yếu có sự biến động tăng thì có tham mưu bình ổn giá theo quy định. Thứ ba, chỉ đạo các DN sản xuất có ảnh hưởng bởi tăng giá cần có cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất tiết giảm chi phí, giảm thiểu tác động.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá, kiên quyết không cho việc điều chỉnh giá tăng theo giá điện và xăng dầu. Các cơ quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý thực hiện bình ổn giá trên địa bàn.
Ông Võ Văn quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trước tác động của việc tăng giá năng lượng đầu vào, thì việc đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu không bị thiếu hụt cũng là một giải pháp quan trọng để kiểm soát giá cả, lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ông hãy cho biết những thông tin về vấn đề này?
Ông Võ Văn Quyền: Thông thường lạm phát hoặc tăng CPI từ 2 nguyên nhân: Tăng chi phí đầu vào (chi phí đẩy) hoặc do cầu hơn cung, cung không đáp ứng được cầu dẫn đến giá tăng, lạm phát tăng.
Như trên đã phân tích, tác động đầu vào của xăng dầu vào lạm phát CPI. Trong nhiều năm gần đây, phần lớn do đẩy mạnh sản xuất, tái cơ cấu, tín hiệu thị trường ngày càng tốt hơn nên cung-cầu đã gặp nhau. Phần lớn các mặt hàng không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nhất là trong dịp Tết, dịp mùa vụ, chứng tỏ cung-cầu đã điều tiết theo thị trường hơn và vai trò của điều hành của Chính phủ can thiệp bình ổn khi cần thiết đã thực hiện tốt hơn. Ví dụ trong điều hành chung của liên Bộ, dự đoán thị trường, chương trình bình ổn giá dịp Tết, hay gần đây, Chính phủ ráo riết xây dựng lại Luật Đầu tư làm giảm chi phí cho DN, tạo động lực cho DN sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì vấn đề vào cuộc thông tin, định hướng cho người tiêu dùng tránh tình trạng “lạm phát kỳ vọng”, tức là đáng lẽ không lạm phát nhưng bởi bị kích thích hoặc bởi thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng thì bị tăng giá mang tính tâm lý, gọi là “lạm phát kỳ vọng”.
Bên cạnh công khai minh bạch trong điều hành còn phải công khai minh bạch trong kết quả báo cáo kinh doanh của các DN mà hiện nay đang phải kiểm soát. Quan trọng là công tác thông tin, tuyên truyền vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nghĩ là rất cần thiết.
Được biết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng nhưng đối với dầu hỏa vẫn giữ nguyên trong khi tác hại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của xăng và dầu hỏa là như nhau. Điều này lý giải ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thi: Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2012, trong đó, với mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường. Như đã biết, hiện ta hiện nay sử dụng xăng lượng lớn và diện rộng, trong khi đó, dầu hỏa chủ yếu để thắp sáng, vùng sâu xa do điện còn thiếu, do nhu cầu thiết yếu người dân. Nên vừa rồi, UBTV Quốc hội quyết định không điều chỉnh giá với dầu hỏa là hợp lý.
Thưa ông, bài toán khó đảm bảo ổn định ngân sách đã ảnh hưởng tới quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít khiến dư luận xôn xao rằng giá xăng dầu sẽ tăng và bày tỏ không tán đồng việc thuế này để phục vụ bảo vệ môi trường chứ không để giảm thất thu ngân sách. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Phạm Đình Thi: Ngày 10/3 vừa qua, UBTV Quốc hội đã biểu quyết và thông qua sửa đổi theo đó thuế bảo vệ môi trường từ 1/5 sẽ tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Trước hết, Việt Nam hiện nay đang áp dụng thuế nhập khẩu tối huệ quốc sau khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, hay còn gọi là thuế nhập khẩu MFN, chúng ta cam kết trần là 40%. Theo đó, Nghị quyết của UBTV Quốc hội ban hành với xăng dầu ở mức từ 0-40% và xăng hiện nay đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 35%.
Tuy nhiên, cùng với việc đó, các cam kết về Hiệp định Thương mại tự do trong khối ASEAN từ 2011-2024 phải cắt giảm thuế nhập khẩu. Cùng với đó là Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc chúng ta đều cam kết lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, chúng ta cắt giảm kết thúc vào năm 2024. Tại thời điểm này, đối với mặt hàng xăng áp dụng thuế 35%. Nhưng thuế nhập khẩu với ASEAN- Trung Quốc, Hàn Quốc thuế nhập khẩu của họ có 20%. Hiện nay khoảng cách đang là 5-35%, khoảng cách này ngày càng xa, càng rộng ra.
Hiện chúng tôi đã nhận được ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu gửi lên Bộ Tài chính cho rằng đối với xăng dầu nhập khẩu từ các nước ASEAN khi có mẫu CO form D thì các nước đang đề nghị 2 việc: Ký hợp đồng dài 1 năm hoặc đề nghị tăng giá xăng dầu nên đề nghị tăng giá gây rủi ro cho nền kinh tế. Giá xăng dầu từ quý III/2014 đến nay liên tục giảm và kiên quyết điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Như vậy, vấn đề đặt ra là cùng với giá giảm xăng dầu thì có lợi cho nền kinh tế. Ta thấy rõ ràng đầu vào sản xuất kinh doanh giảm sẽ tăng khả năng cạnh tranh của DN trong nước và trên thị trường thế giới. Tuy nhiên khi giá giảm thì cầu sẽ tăng lên, xăng dầu là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường nên đây là lý do khiến chúng ta cần điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hiện nay giá xăng dầu ở Việt Nam so với các nước khu vực thấp hơn khoảng từ 1.000-7.000 đồng/lít xăng dầu vì thế để hạn chế việc xăng dầu chảy qua các nước láng giềng, đảm bảo giá xăng dầu Việt Nam tương đồng, tránh sự chênh lệch giữa các nước tránh buôn lậu.
Còn lý do hỗ trợ là hiện nay, chủ trương của Chính phủ là sử dụng nguyên liệu sinh học, khi ta tăng thuế bảo vệ môi trường, tạo sự chênh lệch giá giữa xăng hóa thạch và nguyên liệu sinh học sẽ khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu sinh học. Với những lý do đó, tôi cho rằng tăng thuế bảo vệ môi trường là phù hợp.
Thưa ông, để bù lại việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường nhằm ổn định giá xăng, liệu từ 1/5, thuế xuất nhập khẩu xăng dầu có giảm xuống 20% hay không?
Ông Phạm Đình Thi: Thuế môi trường hoặc thuế xuất nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá xăng dầu. Khi xét giá xăng dầu, phải xét bài toán tổng thể của các sắc thuế. Nhưng như đã trình bày, do việc cam kết các hiệp định quốc tế, nên cùng mặt hàng xăng dầu có thuế nhập khẩu khác nhau, gây rủi ro cho ngân sách (NSNN), nên tôi cho rằng việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường như vậy là hợp lý để tránh bất lợi cho nền kinh tế. Giảm bao nhiêu phải tính toán cụ thể, chứ không phải hiệu lực thuế bảo vệ môi trường phải giảm thuế nhập khẩu.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện về giá điện để bàn thêm về tính phù hợp của giá điện ở Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực? Ông Long có ý kiến gì về câu hỏi này?
Ông Ngô Trí Long: Hiện nay ta đang hội nhập ngày càng sâu. Năm 2015 sẽ xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, rất nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ được kí kết, trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập sâu như vậy thì giá trong nước phải hòa đồng với giá thế giới nên việc so sánh giá trong nước và giá thế giới là cần thiết nhưng không phải mọi sản phẩm ta đều so sánh. Ví dụ như xăng dầu đang nhập khoảng 70% so với lượng tiêu dùng thì cần phải so sánh với giá thế giới. Nhưng ngành Điện lực ta còn độc quyền trên cơ sở nhất quán theo cơ chế giá thị trường, nghĩa là trên thị trường cạnh tranh thì giá do thị trường quyết định hoặc trên thị trường độc quyền thì giá do Nhà nước quy định theo sát giá thị trường, Nhà nước phải bù đắp đủ chi phí hợp lý cho đối tượng sản xuất kinh doanh đó đồng thời có mức lãi hợp lý thỏa đáng.
Vừa rồi giá EVN công bố là lên tới 8,5 cent/kWh chưa bằng giá trần của ASEAN (khoảng 9 cent/kWh), cách so sánh này là khập khễnh. Điện lực là ngành độc quyền nên chi phí phải so sánh cụ thể. Hiện nay việc nâng giá muốn thuyết phục người tiêu dùng, EVN thường dựa vào giá đầu ra mà không tính toán giá đầu vào. Hiện nay so sánh giá đầu vào của chúng ta so với các nước còn thấp. Lương của Giám đốc EVN không thể bằng khu vực được, năng suất lao động, vấn đề bảo hiểm rủi ro trong quá trình dùng điện chúng ta không có. Để dành lợi về phía mình EVN hay so sánh giá của chúng ta so với các nước ở đầu ra mà không so đầu vào nên bất hợp lý.
Theo quan điểm của tôi trước kia ta dùng cơ chế 2 giá, nước ngoài 1 giá, trong nước 1 giá. Chính vì thế không thu hút đầu tư nước ngoài vào nên khi chúng ta quản lý chặt ngành Điện chi phí hợp lý, năng suất lao động thấp, thủy điện nhiều, giá của chúng ta tương đối thấp so với nước khác mà vẫn bù đắp đủ chi phí cho các ngành sản xuất kinh doanh điện, đồng thời ta vẫn tuân thủ giá thị trường chắc chắn sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, Singapore giá 21 cent/kWh phải chăng vì họ sử dụng nguyên liệu dầu, còn chúng ta 40% thủy điện, chỉ bằng 1/2 giá điện hóa thạch nên chúng ta không nên so sánh mà phải biết chia sẻ, nâng cao năng suất lao động để giá bán điện thấp không những có lợi cho người dân mà còn là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian qua, việc xem xét giá điện EVN chúng ta cũng đã có kiểm tra, kiểm toán và đã có công khai minh bạch về các yếu tố cấu thành nên giá. Hiện nay, việc giá điện vẫn còn phải tiếp tục theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay trong cơ cấu giá thành còn khoản lỗ từ 2010 và 2011 còn kết dư lại vẫn treo để hạch toán cho hết.
Vừa qua đánh giá các phương án giá, cho thấy khi điều chỉnh tăng 7,5% giá điện thì có một phần để EVN kết dư khoản lỗ treo, theo lộ trình vẫn tiếp tục xem xét khoản này, phải thực hiện giá điện của quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 69 và khung giá bán lẻ theo Quyết định 2156. Như vậy giá điện vẫn do Nhà nước xem xét quyết định trong giai đoạn này.
Năm 2015 là năm mà ngành Điện tiến hành cổ phần hóa các tổng công ty phát điện (GENCO). Nhiều lãnh đạo ngành điện nói giá điện thấp nên nhà đầu tư không mặn mà tham gia mua cổ phần ở các GENCO. Việc tăng giá này liệu có sức hấp dẫn tới đâu với các GENCO, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dự đoán như thế nào về điều này?
Ông Ngô Trí Long: Hiện nay cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Nhà nước . Với ngành điện, một trong những nguyên nhân ngành Điện chậm phát triển là do thiếu vốn, quản trị còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao vì thế đòi hỏi cấp bách hiện nay phải cổ phần hóa. Hiện nay nút thắt quan trọng nhất là do giá điện quá thấp nên không cổ phần hóa được, theo tôi lý lẽ chưa thuyết phục. Chúng ta đã hoạt động theo cơ chế thị trường với sản phẩm độc quyền nghĩa là Nhà nước tính toán chi phí hợp lý, lãi hợp lý tuy nhiên điện hiện nay lãi tương đối thấp. Trừ thủy điện lãi cao nên người người đua nhau xây thủy điện.
Điện lợi nhuận tương đối thấp nhưng mức độ rủi ro không cao nên tương đối an toàn. Khó khăn hiện nay là quy mô vốn của 3 Tổng công ty phát điện này quá lớn nên không có nhà đầu tư nào hấp thụ được số vốn này, hiệu quả đầu tư của lĩnh vực này còn hạn chế, cơ cấu bộ máy chưa hợp lý, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó có những thuận lợi như Nhà nước không nắm 100% vốn. Hiện nay Nhà nước đang tiến tới kiên trì thực hiện theo cơ chế thị trường nên nếu đổ oan cho giá điện thấp mà không cổ phần hóa được thì ta cần xem xét lại và tôi thấy lý do đó chưa thỏa đáng
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Về xem xét cổ phần hóa, chúng tôi nghĩ là tiến tới trong bối cảnh tiếp cận giá điện thị trường, nhưng cần tính toán phù hợp từng thời điểm. Đặc biệt là hiện nay, theo báo cáo của EVN giá điện tiệm cận giá thị trường còn những khoản lỗ treo năm trước dồn lại. Khi khoản lỗ treo thanh toán hết, giá điện sẽ thực hiện theo giá thị trường được, trong lúc đó sẽ tiến tới xem xét các yếu tố tính toán cho phù hợp.
Giá điện tăng đi kèm với việc hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho các hộ nghèo cũng tăng lên. Ông Nguyễn Anh Tuấn có thể ước con số mà nhà nước sẽ bỏ ra để bù không? Và khả năng chi trả của ngân sách sẽ như thế nào trong thời gian tới khi giá điện vẫn có thể tăng lên kịch trần?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay khi giá điện bình quân điều chỉnh 7,5% sẽ phân bổ đều vào các khung giá bán lẻ điện. Nhà nước vẫn chi ngân sách an sinh với hộ nghèo dùng 30kW/h dùng đủ 50kW/h đầu. Nếu giá điện 50 kw đầu tăng 7 đến 7,5% thì ngân sách sẽ bố trí 153 tỷ đồng/năm. Để phục vụ an sinh xã hội thì Nhà nước luôn quan tâm hộ nghèo có hỗ trợ giảm bớt khó khăn.
Nhóm PV