|
Vàng miếng giả đang là nỗi lo của người dân . Ảnh Trần Việt |
Chính sách: Không phân biệt
Ngay sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP
ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có
hiệu lực ít lâu, đã có những nghi ngại về việc một số tổ chức, cá nhân
đang giữ vàng miếng khác ngoài vàng miếng SJC sẽ gặp bất lợi khi mua
bán, trao đổi hoặc hoán đổi sang vàng miếng SJC.
Ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ
Quản lý Ngoại hối - khẳng định, “quy định tại Nghị định 24 không phân
biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại
vàng miếng trên, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở
hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo
vệ, được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được
NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển
tiếp do NHNN quy định”. Ông Huy, như nhiều quan chức lãnh đạo ngành ngân
hàng, cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các
thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt
hại không đáng có.
Rõ ràng, người dân có quyền tích trữ,
mua bán vàng và quan hệ mua bán trên thị trường vàng miếng là thuận mua
vừa bán giữa người dân với cửa hàng vàng. Trên thực tế, tình trạng vàng
giả, vàng nhái có thể đã phát sinh từ rất lâu do thói quen mua bán vàng
“mọi lúc, mọi nơi” của người Việt Nam, và nhiều người có thói quen mua
bán trao tay mà không bận tâm tới các số liệu nhận biết cũng như nguồn
gốc xuất xứ của sản phẩm; phần khác, cũng do hệ thống kiểm định ở Việt
Nam chưa phát triển và nặng về thủ tục cũng như mất thời gian. Trong khi
đó, việc kiểm soát giao dịch vàng miếng chưa có hành lang pháp lý nên
các cơ quan chức năng, đặc biệt là NHNN rất khó có thể kiểm soát chất
lượng vàng giao dịch trên thị trường.
Chính vì thế, với Nghị định
24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng miếng, trong đó có nội dung hạn
chế đối tượng kinh doanh vàng chủ yếu là các tổ chức tín dụng và một số
Cty kinh doanh vàng lớn, Chính phủ cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ người
tiêu dùng về chất lượng và giá cả kim loại quý này.
Vàng nhái: từ đâu ra?
Mặc dầu vậy, bất chấp những câu chữ
trên văn bản và khuyến cáo của quan chức, thị trường vàng vẫn có sự vận
động riêng của nó. Đầu tiên là việc dân ồ ạt đi bán vàng miếng “phi SJC”
với giá “cắt ruột” vì thiệt thòi, rồi chênh lệch giá giữa vàng SJC và
phi SJC ngày càng cao, trong khi việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch
giá giữa vàng trong nước và thế giới dường như chưa có tín hiệu khả
quan. Tiếp đến là ngay cả việc bán vàng SJC cũng không phải “suôn sẻ”
như người dân hằng muốn, vì khi đi đem vàng đi bán, khách bị soi từng lỗ
phồng trên vỏ đến việc đối mặt với nạn vàng giả, vàng nhái.
Theo đại diện Cty Vàng bạc đá quý Sài
Gòn SJC, từ tháng 9/2012 đến nay, Cty này đã phát hiện 463 lượng vàng
nhái, giả vàng miếng SJC. Từ đầu tháng 10/2012, để tránh hiện tượng vàng
nhái bị đưa vào giao dịch trên thị trường, Cty SJC đã tiến hành dập lại
bao bì mới cho vàng miếng SJC. Thực chất đây là một hoạt động bình
thường, nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng khi một số người dân mang vàng
đến dập lại bao bì đã phát hiện ra vàng của mình là vàng nhái SJC. Hơn
nữa, vàng nhái SJC không chỉ đến từ những cửa hàng vàng ngoài thị
trường, mà khi người dân rút vàng từ ngân hàng cũng xuất hiện vàng nhái.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Cty SJC,
cho biết –“Giờ vàng nhái tái xuất bởi chênh lệch với giá thế giới cao,
khiến các đối tượng liều lĩnh lấy vàng nguyên liệu dập lại hiệu SJC rồi
bán ra thị trường hưởng chênh lệch khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”.
V vàng nhái là hệ quả của việc đạt
được lợi nhuận cao trên cùng một loại sản phẩm nhờ vào một thương hiệu.
Chia sẻ với báo giới, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc
hội, đã từng cho rằng, có thể độc quyền nhà nước giúp dập vàng miếng
đúng chất lượng, nhưng không nên biến độc quyền đó thành đặc quyền doanh
nghiệp. “Có chuyện khá lạ trên thị trường là vàng không được định giá
theo tuổi, mà lại theo thương hiệu, vì vàng phi SJC chỉ cần gia công lại
để mang thương hiệu SJC thì giá bán đã tăng hơn giá cũ vài triệu
đồng/lượng” – TS.Trần Du Lịch nhận định – “Như thế vàng trở về đúng giá
trị của nó hay đó là hệ quả của sự đặc quyền?”.
Ở Việt Nam, cùng với SJC vẫn còn tồn
tại một số thương hiệu vàng khác, và dĩ nhiên, chuyện chọn thương hiệu
vàng nào để mua là quyền của người dân. Thế nhưng khi Nhà nước xác định
vị trí của một thương hiệu, đương nhiên dẫn đến phép so sánh với các
thương hiệu khác, và sự phân biệt từ đó mà ra.
Ứng xử thế nào?
Hiện, Vụ Quản lý ngoại hối đang được
NHNN giao nghiên cứu để xử lý vấn đề vàng giả, vàng nhái thương hiệu
SJC. Tuy nhiên, cho đến khi có thông tin chính thức, thì dù SJC đã đưa
ra vỏ bọc hologram mới cho vàng và những dấu hiệu phân biệt thật – giả,
thì thị trường cũng có những phản ứng khá thận trọng. Ngay cả SJC cũng
gặp không ít khó khăn khi cùng cấp thông tin phân biệt vàng giả, vàng
nhái một cách công khai, bởi khi đưa ra thông tin chi tiết để phân biệt
thì ngay lập tức các đối tượng làm giả đều có thể điều chỉnh phù hợp.
Đại diện Cty này cho rằng, biện pháp tốt nhất là nếu các ngân hàng, công
ty vàng có nhu cầu tìm hiểu phân biệt vàng thật và vàng nhái nên liên
hệ tổ kiểm định của Cty SJC để được hướng dẫn.
“Việc thay đổi, cung cấp thông tin
nhận biết chỉ là biện pháp trước mắt chứ chưa thể giải quyết căn cơ nạn
vàng nhái” – một chuyên gia về thị trường vàng chia sẻ - “Nhiều câu hỏi
xung quanh thị trường vàng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, ví như thiệt
hại của người tiêu dùng ai sẽ là người gánh chịu, hay sự phối hợp giữa
doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này như thế nào?”
Theo đại diện một DN kinh doanh vàng, hiện tượng làm giả có thể còn tiếp
diễn và kéo dài nếu như chênh lệch giá vàng cao như hiện nay với mức
chênh giá trong nước với giá thế giới quy đổi khoảng 3 triệu đồng/lượng
và mức chênh vàng SJC với phi SJC khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế,
cho rằng vàng SJC được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia, dập theo
chỉ đạo của NHNN nên tất cả vàng nhái SJC có thể được coi là một hình
thức in tiền giả và cần được đối xử như hoạt động in tiền giả. Nghĩa là
các bộ, ban, ngành sẽ cùng tham gia điều tra, xử lý theo quy trình pháp
luật. Và từ đó cũng sẽ điều tra được xem liệu có ngân hàng nào cố tình
trong việc tiêu thụ hàng nhái.
Còn ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT
Cty SJC – thì đưa ra khuyến cáo, dù lo ngại về vàng nhái SJC, nhưng
người dân không nên hốt hoảng. “Người mua vàng, có vàng SJC nên bình
tĩnh. Giải pháp hiện nay là người dân mua vàng ở đâu nên đến đó bán, tốt
nhất là đến các đại lý của SJC để được kiểm định (miễn phí). Nếu dính
phải vàng nhái thì đến chỗ đã mua để được giải quyết” – ông Dũng chia sẻ
với báo chí – “Với những người mua vàng từ lâu, xác suất vàng giả sẽ ít
hơn bởi thực tế vàng giả SJC chỉ xuất hiện nhiều khoảng vài tháng nay.
Chúng tôi tính đề xuất phương án mua vàng nhái SJC rồi bù chênh lệch cho
người dân, nhưng đồng ý hay không tùy thuộc cơ quan quản lý vì Cty SJC
giờ chỉ là đơn vị gia công, còn quyền sở hữu thuộc Nhà nước”.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều
28/10, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), cho
biết, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động
kinh doanh vàng và Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 24/4/2012, các tổ chức
tín dụng dừng huy động, cho vay vàng kể từ ngày 24/11/2012, NHNN sẽ đứng
ra mua vàng nếu người dân muốn bán để chuyển đổi sang tiền đồng, với
mục đích chống “vàng hóa” nền kinh tế và huy động nguồn lực cho phát
triển. Tuy nhiên, việc NHNN đứng ra mua vàng của dân cũng không thể diễn
ra ngay lập tức được, do vậy, NHNN đang tổ chức một mạng lưới mua – bán
vàng đáp ứng đủ yêu cầu theo tinh thần của Nghị định 24.
Bách Linh
Theo phapluatvn.vn