Chính sách mới >> Tài chính 03/12/2011 09:03 AM

03/12/2011 09:03 AM

NHNN nên kiểm tra và cấp ‘quota’ tăng trưởng tín dụng nhiều hơn cho những đơn vị có thể sử dụng nó tốt nhất, hiệu quả nhất cho nền kinh tế.

Trong mắt các nhà tài trợ và DN nước ngoài, ngành ngân hàng Việt Nam có rất nhiều điều cần thay đổi trong năm 2012. Mặc dù chỉ đề xuất 4 trụ cột cần giải quyết, theo như báo cáo của Nhóm công tác ngân hàng (BWG) thuộc khuôn khổ Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), nhưng có thể thấy, 4 trụ cột này bao hàm hàng loạt vấn đề không dễ xử lý.

Theo ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, 4 vấn đề cốt yếu trên đều liên quan tới khuôn khổ tái cấu trúc ngân hàng và sẽ là nội dung chủ yếu trong cuộc đối thoại giữa đại diện các DN và cơ quan chính phủ liên quan tới vấn đề ngân hàng sáng nay (2/12). Cụ thể, 4 trụ cột là: Một lộ trình có tầm nhìn xa cho ngành ngân hàng; Hiệu quả thị trường; Ngân hàng bán lẻ và các biện pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến nghị này trong việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, khu vực cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế sẽ hoạt động hiệu quả, hữu hiệu hơn.

Không nên cào bằng…

Nghị quyết 11 của Chính phủ giới hạn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không quá 20% vào năm 2011. Theo các chuyên gia, chính sách này cần tiếp tục khi dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng đã tăng từ 65% GDP lên mức 125% GDP trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, việc cào bằng một tỷ lệ tăng tín dụng duy nhất đối với tất cả các ngân hàng, bất kể sức mạnh vốn, khả năng quản lý rủi ro… sẽ không mang lại kết quả tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam. Nó cũng không tốt cho ngành ngân hàng khi ngân hàng có quy mô càng lớn càng được tăng trưởng tín dụng nhiều, chứ không phải là những đơn vị có chất lượng tốt.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm tới chất lượng của các ngân hàng chứ không phải là quy mô thì việc giới hạn tăng trưởng tín dụng nên phản ánh điều đó. NHNN nên kiểm tra và cấp ‘quota’ tăng trưởng tín dụng nhiều hơn cho những đơn vị có thể sử dụng nó tốt nhất, hiệu quả nhất cho nền kinh tế”, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu nhấn mạnh.

Đối với việc phân định các khoản vay trong lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất, Nhóm công tác đồng ý với quan điểm hạn chế những khoản tín dụng dễ dãi dành cho các nhà đầu cơ bất động sản, vì nhóm này có thể tạo ra bong bóng trên thị trường.

Tuy nhiên, các biện pháp này cũng gây nên những hệ lụy khi loại ra đối tượng mua nhà để ở và các nhà phát triển bất động sản. Trong đó, những người thu nhập thấp muốn mua nhà trả góp, các nhà phát triển khu công nghiệp… bị ảnh hưởng lớn.

Do vậy, BWG khuyến nghị, định nghĩa về lĩnh vực “phi sản xuất” cần được rà soát lại, nhằm đảm bảo rằng hoạt động sản xuất trên tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản không bị đánh đồng với phi sản xuất.

Siết thị trường ngoại hối

Nghị định 160/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối được hy vọng sẽ đặt ra khuôn khổ cho các giao dịch và sản phẩm ngoại hối tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn thực hiện chính vẫn chưa được ban hành, đặc biệt là quy định về quản lý ngoại hối đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp, cũng như các giao dịch vãng lai và giao dịch vốn.

Việc thiếu các hướng dẫn như vậy đã hạn chế sự phát triển của thị trường ngoại hối, đặc biệt là làm khó cho các nhà xuất khẩu/nhập khẩu, khi họ cần sử dụng các kỹ thuật bảo hiểm rủi ro phức tạp hơn, nhằm tránh bị yếu thế so với đối thủ cạnh tranh đang hoạt động ở các nước khác.

Bên cạnh đó, Thông tư 07/2011/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đã yêu cầu, người vay ngoại tệ trong một số trường hợp cụ thể cần có cam kết từ một ngân hàng về việc bán cho họ lượng ngoại tệ cần thiết để trả nợ khi đến hạn.

Tuy nhiên, việc cam kết này vẫn chưa thể hiện rõ ràng: đó có phải là một nghĩa vụ pháp lý của ngân hàng khi phải bán ngoại tệ vào một thời điểm trong tương lai tại một mức giá thoả thuận hay không? Hay đó chỉ là cam kết nỗ lực tốt nhất để bán ngoại tệ ở thời điểm trả nợ của khoản vay tại mức giá hiện hành?

Theo BWG, khi các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 160 được ban hành và Thông tư 07 được giải thích rõ ràng hơn, các bên tham gia thị trường ngoại hối sẽ hoạt động một cách trách nhiệm hơn. Điều này sẽ có tác dụng cải thiện niềm tin vào đồng Việt Nam và tăng thanh khoản trên thị trường ngoại hối, cũng như thiết lập một thị trường ngoại hối kỳ hạn có tính thanh khoản và vận hành theo cơ chế thị trường.

Giảm báo cáo, tăng chế tài

BWG cho biết, con số các loại báo cáo mà toàn hệ thống ngân hàng thương mại phải thực hiện đã giảm từ khoảng 200.000 xuống còn 132.000 báo cáo trong Thông tư 21 mới, nhưng đó vẫn là một thách thức đối với các ngân hàng.

Bên cạnh đó, quy định về hoạt động báo cáo có nhiều trùng lặp. Các thông tin giống nhau được đề cập trong các báo cáo khác nhau, cũng như các báo cáo giống nhau phải được gửi đến nhiều địa chỉ khác nhau như NHNN, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam…

Do vậy, BWG đề nghị thành lập một nhóm bao gồm NHNN, Bộ Tài chính, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các ngân hàng và WB, nhằm rà soát, kiểm tra các yêu cầu về báo cáo để đảm bảo rằng, các báo cáo phải thực hiện là cần thiết và loại bỏ những trùng lặp.

Mặt khác, Chỉ thị 01/CT-NHNN về đảm bảo an toàn kinh doanh của tổ chức tín dụng đặt ra nhiều giới hạn, yêu cầu buộc các ngân hàng phải tuân thủ, nhưng chế tài cho việc không tuân thủ lại không rõ ràng. Trong khi đó, nếu việc không tuân thủ có lợi hơn và lại không bị xử lý, thì các ngân hàng sẽ ít tuân thủ các luật lệ hơn.

BWG cho rằng, NHNN không chỉ cần tiếp tục ban hành các biện pháp trừng phạt cho việc không tuân thủ luật lệ, mà còn phải có cơ chế khuyến khích tích cực cho những ngân hàng tuân thủ.

“Phải cho các ngân hàng thấy rằng, việc tuân thủ các quy định có lợi hơn là không tuân thủ”, ông Louis Taylor, Trưởng nhóm BWG, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nói.

Minh bạch để phát triển thị trường nợ

Nhóm công tác ngân hàng cũng nhấn mạnh, các tổ chức đánh giá, xếp hạng đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thị trường nợ. Kinh nghiệm ở các thị trường khác cho thấy, nên khuyến khích hình thành các tổ chức đánh giá xếp hạng tín dụng độc lập trong nước.

Điều này cho phép các DN trong các lĩnh vực khác nhau có thể tiếp cận các dịch vụ cũng như cho phép họ dần tham gia vào thị trường trái phiếu và thương phiếu với “giấy tờ có giá được xếp hạng”.

Đồng thời, việc xuất hiện các tổ chức đánh giá xếp hạng cũng đóng vai trò chuyển đổi trong các lĩnh vực như thông lệ kế toán, quản trị DN…, từ đo, dẫn đến một thị trường hiệu quả hơn với độ minh bạch cao hơn.

Bên cạnh đó, việc phát triển đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ có tính thanh khoản cao và được quản lý có hệ thống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tính thanh khoản thị trường và quản lý bảng tổng kết tài sản của ngân hàng.

BWG nhận định, thị trường trái phiếu chính phủ cần phải minh bạch nhất có thể trong việc thông báo lịch phát hành, khối lượng và các kỳ hạn sẽ phát hành. Ngoài ra, nên ưu tiên khuyến khích phát triển một thị trường vốn rộng lớn hơn cho các tổ chức phát hành phi chính phủ…

“Tôi tin rằng, việc thực thi các khuyến nghị có thể nâng cao khả năng cạnh tranh dài hạn, cũng như sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và khu vực ngân hàng”, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, thành viên BWG nói.

Theo Hồng Dung
ĐTCK

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,826

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn