Chính sách mới >> Tài chính 14/04/2017 08:56 AM

Có nên tăng lãi suất tiền gửi USD?

14/04/2017 08:56 AM

Cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại cùng chung quan điểm rằng chưa đến lúc đưa lãi suất huy động USD lên trên mức 0%/năm

Ngày 13-4, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 22.320 đồng/USD, giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao so với cuối năm ngoái. Tính ra, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng khoảng 0,7% so với hồi cuối năm ngoái.

Áp lực từ thị trường quốc tế

Giá USD trên thị trường quốc tế liên tục tăng trong thời gian qua, nhất là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần 2 trong vòng 3 tháng và dự kiến sẽ có thêm những lần tăng tiếp theo. Hiện lãi suất cơ bản đồng USD được Mỹ áp dụng ở mức 0,75%-1%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD được NHNN áp dụng ở mức 0%/năm từ hơn 1 năm nay khiến một số ý kiến cho rằng cần nâng lãi suất tiền gửi USD nhằm phù hợp với xu hướng trên thị trường quốc tế, bảo đảm cho việc thu hút ngoại tệ từ nước ngoài phục vụ nền kinh tế.

Mức lãi suất huy động USD 0%/năm ổn định hơn 1 năm qua đang bị “thử thách” bởi nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước Ảnh: TẤN THẠNH

Theo chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín, biểu lãi suất huy động USD ở nhiều nước đều phổ biến từ 0,5%-1%/năm, thậm chí một số quốc gia huy động USD qua chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 2%/năm. Trong khi đó, ở Việt Nam, NH thương mại vẫn huy động USD ở mức 0%/năm, rồi cho vay lại với một số đối tượng khách hàng doanh nghiệp (DN). “Đã cho vay thì phải huy động nhưng với mức lãi suất 0% e rằng rất khó, thậm chí một số NH còn lách để huy động thì việc nâng lãi suất lên khoảng 0,25%/năm vừa không gây tác động quá lớn vừa tạo sự minh bạch trên thị trường. NH huy động được nguồn ngoại tệ với lãi suất hợp lý cũng giúp tạo thanh khoản tốt hơn” - TS Bùi Quang Tín phân tích.

Ngoài ra, việc nâng lãi suất USD lên sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống NH, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing, giả định nếu cuối năm nay và đầu năm 2018, FED tăng lãi suất lên 1,5%-2%/năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chậm lại, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, tiền gửi VNĐ tại các NH thương mại sụt giảm… NHNN nên điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD theo lộ trình 0,25%-0,5%/năm... Còn trường hợp các yếu tố này không biến động thì giữ nguyên lãi suất USD 0% như hiện nay. Bởi cốt lõi của thị trường ngoại tệ Việt Nam không hẳn là lãi suất USD, vấn đề chính là độ linh hoạt của tỉ giá. Trong trường hợp Mỹ tăng mạnh lãi suất, tỉ giá USD với 8 ngoại tệ mạnh của các quốc gia có quan hệ thương mại sâu sắc với Việt Nam sẽ biến động, nhất là tỉ giá USD/nhân dân tệ. Do đó, tỉ giá USD/VNĐ cũng cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình lạm phát, kim ngạch xuất nhập khẩu, nợ công…

Chưa đến lúc tăng lãi suất

Trước ý kiến về việc cần nâng lãi suất tiền gửi USD vượt 0%, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo của Ban Kinh tế trung ương phân tích nếu lãi suất tiền gửi USD tăng lên, tỉ giá cũng tăng theo gây ảnh hưởng đến lãi suất VNĐ bởi chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ cần một khoảng cách nhất định đủ để tiền đồng hấp dẫn. Lãi suất USD tăng lên cũng kích thích giới đầu cơ thu gom ngoại tệ làm cho tỉ giá biến động mạnh, vô hình trung lại kéo lãi suất VNĐ tăng thêm một lần nữa, trong khi dư nợ cho vay bằng tiền đồng cao gấp 10 lần dư nợ cho vay ngoại tệ nên việc tăng lãi suất USD sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.

Trên thực tế từ nhiều năm trước, NHNN đã định hướng các NH thương mại xóa bỏ quan hệ vay mượn USD, từng bước chuyển sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Nhưng do năng lực của các DN Việt còn yếu, chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô hoặc gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài… nên NH chưa thể chấm dứt cho vay và huy động vốn bằng USD. Mặt khác, với chủ trương chống đô la hóa, NHNN đã chuyển sang điều hành linh hoạt ổn định tỉ giá, giảm dần lãi suất tiền gửi USD về mức 0%, tạo chênh lệch lãi suất VNĐ - USD lên tới 5%-7%/năm nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ, khuyến khích người dân nắm giữ VNĐ.

Nay nếu tăng lãi suất huy động USD lên trên mức 0%, nhiều ý kiến lo ngại sẽ quay trở lại vòng luẩn quẩn huy động - găm giữ ngoại tệ và gây áp lực lên tỉ giá, lãi suất VNĐ. Tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM phân tích trước đây, việc đưa lãi suất USD về 0% để ngoại tệ này chỉ là phương tiện thanh toán, chứ không phải kênh đầu cơ kiếm lời. Thực tế, đến giờ các nhu cầu về ngoại tệ thanh toán của DN vẫn được đáp ứng kịp thời, NH thương mại chỉ cho vay một số đối tượng DN nhất định, có nguồn thu ngoại tệ nên không quá lo lắng về nguồn cung USD.

 “Nay nếu tăng lãi suất tiền gửi USD, tôi lo DN nắm giữ thì ít mà người dân mới giữ nhiều khi niềm tin vào VNĐ chưa cao. Trước đó, mỗi lần giá USD trên thế giới tăng cao là lập tức tỉ giá trong nước cũng xáo trộn do tâm lý và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Thực tế cho thấy vừa rồi FED tăng lãi suất nhưng giá USD trên thị trường không quá biến động, không có hiện tượng thu gom USD… chứng tỏ việc giữ lãi suất USD ở mức thấp trong điều kiện hiện nay là phù hợp” - vị tổng giám đốc này chia sẻ.

Ưu tiên mục tiêu ổn định tỉ giá

Ngày 13-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện NHNN cho biết có nhận được ý kiến xung quanh đề xuất nâng lãi suất tiền gửi USD lên trên 0% nhưng quan điểm của Chính phủ và NHNN trong thời điểm này là ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá. Dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0% nhưng thực tế dòng ngoại tệ vẫn chảy vào NH, huy động ngoại tệ vẫn tăng và hiện NHNN đã mua vào khoảng 41 tỉ USD dự trữ ngoại hối, mức cao nhất từ trước đến nay. Riêng tại TP HCM, thống kê trong 3 tháng đầu năm, huy động ngoại tệ tăng 1,82% so với cuối năm ngoái và cho vay ngoại tệ tăng 6,09% so với cuối năm.

THY THƠ - THÁI PHƯƠNG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,969

USD,

Chính sách khác

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn