Mở lối đi cho người chuyển giới

15/04/2015 09:04 AM

Do không được công nhận về mặt giới tính khiến người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

“Nếu pháp luật không cho phép chuyển giới thì người có nhu cầu chuyển giới không được sống thật với giới tính của mình. Một số người lén ra nước ngoài chuyển giới về thì không được xã hội thừa nhận khiến họ gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống”. TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đặt vấn đề tại hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi ngày 14-4 tại Hà Nội.

Khao khát được sống với giới tính thật

Ông Nguyễn Khắc Tùng, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam (Trung tâm ICS), mang đến hội thảo một câu chuyện đau lòng về người chuyển giới.

Hùng, một nam thanh niên ở miền Tây Nam Bộ, từ nhỏ đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Càng lớn anh càng bị ngay những người trong gia đình kỳ thị, bạn bè trong trường học thì xa lánh. Một hôm Hùng quyết định bỏ nhà đi theo đoàn hát lôtô rong ruổi qua các hội chợ vùng quê.

Hùng có mơ ước cháy bỏng là được trở thành con gái, tuy nhiên mơ ước phải dừng lại ở tuổi 16 khi đang tiêm hócmôn để có những đường cong nữ tính thì anh bị sốc thuốc.

Một trường hợp may mắn hơn, có mặt tại hội thảo là anh Nguyễn Phú Toàn (thích được mọi người gọi là Jessika), đã giải phẫu chuyển giới thành công. Anh chia sẻ sau khi chuyển giới cảm thấy tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình. “Để được như ngày hôm nay, tôi đã phải chấp nhận đau đớn, thậm chí chấp nhận hậu quả vì đã chuyển giới… chui” - Toàn nói và cho rằng nhưng giờ được như vậy cũng mãn nguyện vì đấy là ước mơ muốn sống đúng con người của mình.

Nguyễn Phú Toàn (bìa trái) cho biết bản thân chấp nhận mọi đau đớn để chuyển giới với mong muốn sống thật với giới tính của mình. Ảnh: H.HÀ

Kỹ thuật không khó nhưng luật chưa cho

Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe môi trường y tế, hiện nay cả nước có gần nửa triệu người có mong muốn chuyển đổi giới tính. Hiện cả nước có khoảng 1.000 người đã sang Thái Lan hoặc các nước khác để chuyển giới.

Ông Quang cho biết việc chuyển đổi giới tính về mặt kỹ thuật y học trong nước có thể thực hiện được. Tuy nhiên, hiện nay luật mới chỉ cho phép thực hiện xác định lại giới tính, còn chuyển giới thì chưa.

Trong trường hợp Việt Nam không cho phép, họ ra nước ngoài chuyển giới, rủi ro rất cao. Do không có thông tin nên họ chuyển giới ở các cơ sở phẫu thuật chui, đi bằng con đường không chính thống, khi trở về thì không ít người thân tàn ma dại. Khi về nước, họ không được công nhận về mặt giới tính. Giấy tờ nhân thân không được thừa nhận khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày. “Rồi còn nhiều vấn đề rắc rối khác khi chẳng may liên quan đến hiếp dâm, bị tạm giam, tạm giữ, đăng ký kết hôn…” - ông Quang nói.

GS-TS Đỗ Kim Sơn, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho rằng cần phải có quy định về việc chuyển giới vì nếu không quy định thì gần như hủy hoại cuộc đời họ, đưa họ ra khỏi hệ thống quản lý của pháp luật.

PGS-TS Trần Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam, đồng tình quy định được chuyển giới nhưng kiến nghị cần phải có một hội đồng y tế gồm các chuyên gia để đánh giá từng trường hợp.

“Riêng cá nhân, tôi nghiêng về phương án quyền được sống thật với giới tính của mình. Luật cần bổ sung để giải quyết vấn đề thực tiễn đã nảy sinh lâu nay” - ông Quang nói.

Đề xuất đưa quyền được chết vào luật

Bộ Y tế đề xuất nên đưa vấn đề an tử (chết một cách thanh thản, nhẹ nhàng - PV) vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Chúng ta đã có quy định về quyền sống vì thế cũng nên có quy định về quyền chết. Lâu nay mọi người quan niệm chết phải theo quy luật tự nhiên, nghĩa là không còn khả năng để sống được nữa (các chỉ số sinh tồn không còn). Nhưng cũng có trường hợp chết vật vã (ung thư giai đoạn cuối, họ bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần) thì người ta rất mong muốn được chết, vì vậy cái chết ở đây phải được can thiệp của cơ quan chuyên môn. Ở một số quốc gia, họ đã có quy định về quyền được chết thì chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền đó vào luật để những người có nhu cầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.

TS NGUYỄN HUY QUANG, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Đây là quyền của con người, mình không tôn trọng quyền đó nên mới sinh ra các hệ lụy như chuyển giới chui. Nếu pháp luật công nhận thì sẽ mở con đường sống cho họ rộng rãi hơn, lúc đó họ mới sống thực với con người họ. Tuy nhiên, khi đã đưa vào luật pháp thì phải có những quy định chặt chẽ chứ không để kẽ hở để bị lạm dụng.

GS-TS ĐỖ KIM SƠN, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội)

HUY HÀ

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,611

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn