Chống hàng giả: Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm

11/04/2015 08:07 AM

Tại buổi tọa đàm “Chống hàng giả cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành” diễn ra ngày 9.4 tại Hà Nội cho thấy, các cơ quan chức năng đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Trong khi hàng giả vẫn bày bán nhan nhản trên thị trường mà không bị xử lý triệt để.

Tem chống hàng giả hiện cũng bị làm giả

Theo số liệu công bố, năm 2014, các lực lượng chức năng bắt giữ 21.645 vụ sản xuất và buôn bán hàng giả. Hàng giả có từ các mặt hàng xa xỉ, quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, cho đến hàng tiêu dùng… Thậm chí ngay cả tem chống hàng giả cũng bị... làm giả. Câu hỏi đặt ra là các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm chưa khi hàng giả có thể tuồn sâu vào trong nội địa và bày bán công khai? Trong tọa đàm, các nhà quản lý đổ cho DN thiếu trách nhiệm và người dân thờ ơ không báo cáo có hàng giả lên cơ quan chức năng.

Đại tá Nguyễn Đình Tươi - Trưởng phòng PC46 Công an tỉnh Lạng Sơn - thừa nhận: “Hàng gì cũng có hàng giả, đặc biệt là hàng giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Nếu chúng ta tiếp tục đấu tranh theo cách hiện tại thì rất mệt mỏi và khó giải quyết tận gốc”.

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho rằng: “Năm 2014, phát hiện và xử lý 230.000 vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó chỉ có 10% (khoảng 22.000 vụ) vi phạm hàng giả. So với thực trạng tình hình buôn bán vận chuyển trái phép và sản xuất hàng giả chưa tương xứng với số vụ bị bắt giữ. Các cơ quan chức năng chưa vào cuộc quyết liệt. DN có hàng hóa bị làm giả và Hiệp hội bảo vệ NTD chưa phối hợp để đấu tranh với hàng giả”.

Trong khi đó Hội TCVBVNTD VN là nơi đáng lẽ phải chủ động bảo vệ quyền lợi NTD thì ông Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Mạnh Hùng lại quay ra trách móc “NTD có gõ cửa chúng tôi không? Hình như NTD chưa mặn mà với hội. Năm 2014, chúng tôi xử lý trên 1.500 vụ liên quan bảo vệ NTD và giải quyết thành công trên 80%. NTD khiếu nại mà không có hóa đơn mua hàng thì làm sao tôi biết mua hàng ở đâu, nên tôi không giúp được”.

Về phía Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Tín phàn nàn rằng, cục gặp nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực và phương tiện. Đặc biệt là hàng giả có yếu tố nước ngoài, “trong giả có lậu”, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi khiến các lực lượng khó phát hiện, cần ngăn chặn từ biên giới”.

“Có ai tố cáo bị lừa ăn thịt trâu đâu mà chúng tôi biết”!

Ông Nguyễn Văn Cẩn đặt câu hỏi vì sao năm 2014 phát hiện và xử lý 17.000 vụ vi phạm về hàng giả mà chỉ có 11 vụ chuyển cho cho cơ quan điều tra về trách nhiệm hình sự. Vì sao ở Việt Nam hàng năm có tới 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ, nhưng thị trường không thấy ở đâu bán thịt trâu nhập khẩu? Thịt trâu đã “đội lốt” thịt bò để bán. Vậy lực lượng quản lý thị trường đã làm gì?

Ông Nghĩa - Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14 - trả lời: “Việc nhập thịt trâu và kinh doanh thịt trâu không sai. Vấn đề là tiêu thụ. Chúng tôi đã cảnh báo cho NTD biết hiện có 26.000 tấn thịt trâu nhập về hàng năm và bị bán dưới dạng thịt bò. Nhưng chúng tôi khảo sát xuống chợ chẳng thấy ai phản ánh gì việc bị lừa mua thịt trâu?”.

Việc chống buôn lậu tại Việt Nam không biết bao giờ mới giải quyết được tận gốc, khi các cơ quan chức năng không nhìn thẳng vào yếu kém của mình mà đổ lỗi loanh quanh.

LAN HƯƠNG

Theo Báo Lao Động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,483

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn