Cập nhật mới Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Cụ thể, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới nhất sẽ sửa toàn diện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính.
Đối tượng tác độ của Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới nhất này sẽ là toàn bộ cơ quan nhà nước từ Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc của chính quyền địa phương các cấp.
Dự thảo Luật gồm 08 chương, 70 điều (giảm 73 điều so với Luật hiện hành), cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).
- Chương II: Tổ chức ĐVHC, gồm 8 điều (từ Điều 9 đến Điều 16).
- Chương III: Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, gồm 5 điều (từ Điều 17 đến Điều 21).
- Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, gồm 16 điều (từ Điều 22 đến Điều 37).
- Chương V: Tổ chức và hoạt động của HĐND, gồm 14 điều (từ Điều 38 đến Điều 51).
- Chương VI: Tổ chức và hoạt động của UBND, gồm 10 điều (từ Điều 52 đến Điều 61).
- Chương VII: Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong một số trường hợp đặc biệt, gồm 6 điều (từ Điều 62 đến Điều 67).
- Chương VIII: Hiệu lực thi hành, gồm 3 điều (từ Điều 68 đến Điều 70).
Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua thì Luật này sẽ có hiệu lực trong năm 2026, trừ một số nội dung như sau:
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2026.
- Kể từ ngày 01/7/2026, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật này.
Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn mới được bổ nhiệm.
- Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn được ban hành trước ngày 01/7/2026, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
Theo Tờ trình, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới nhất này nhằm:
- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với chủ trương thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
- Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, chuyên nghiệp và hiện đại.
- Bảo đảm vừa kế thừa những quy định còn phù hợp, vừa đổi mới căn bản nhằm hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt, thiết thực nâng cao hiệu quả quản trị, chuyển đổi số của chính quyền địa phương.
- Quán triệt chủ trương của Trung ương, Quốc hội về việc “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội” nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật.
- Khắc phục các hạn chế, bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật trong thời gian qua.