Không có số điện thoại thì xác thực tài khoản mạng xã hội từ ngày 25/12/2024 thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/12/2024 09:55 AM

Sau đây là hướng dẫn đối với trường hợp không có số điện thoại tại Việt Nam thì xác thực tài khoản mạng xã hội ra sao.

Không có số điện thoại thì xác thực tài khoản mạng xã hội từ ngày 25/12/2024 thế nào?

Không có số điện thoại thì xác thực tài khoản mạng xã hội từ ngày 25/12/2024 thế nào? (Hình từ Internet)

1. Không có số điện thoại thì xác thực tài khoản mạng xã hội từ ngày 25/12/2024 thế nào?

Theo điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm xác thực của những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 100.000 (một trăm nghìn) lượt trở lên như sau:

Thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Như vậy, trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

2. Quy định về cấp phép và quản lý mạng xã hội 

Theo khoản 6 Điều 24 Nghị định 147/2024/NĐ-CP thì việc cấp phép và quản lý mạng xã hội tuân thủ theo các quy định sau:

* Phân loại mạng xã hội:

- Mạng xã hội nước ngoài do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Việc quản lý mạng xã hội nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.

- Mạng xã hội trong nước do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại Việt Nam cung cấp, bao gồm: 

+ Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn: Là mạng xã hội có tổng số lượt truy cập (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) từ 10.000 lượt trở lên hoặc có trên 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng; 

+ Mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp: Là các mạng xã hội có tổng số lượt truy cập (total visits) thường xuyên trong 01 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 06 tháng liên tục) dưới 10.000 lượt hoặc có dưới 1.000 người sử dụng thường xuyên trong tháng;

- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ được cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội (đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn) hoặc Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội (đối với mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp);

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ rà soát, thống kê và có văn bản thông báo nộp hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định tại Điều 29, Điều 31 Nghị định 147/2024/NĐ-CP đối với các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn;

- Các mạng xã hội trực tiếp cung cấp dịch vụ nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, có thu tiền thuê bao người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Các mạng xã hội có trách nhiệm xác thực và gắn biểu tượng đã xác thực cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp có pháp nhân tại Việt Nam, người có ảnh hưởng khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân này;

- Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu thì có thể thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội;

- Nền tảng số đa dịch vụ là nền tảng cung cấp, tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một trang thông tin điện tử hoặc một ứng dụng.

Nền tảng số đa dịch vụ khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội và các dịch vụ chuyên ngành khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có Giấy phép/Giấy xác nhận thông báo cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận thông báo cung cấp các dịch vụ chuyên ngành khác và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan;

Trong trường hợp nền tảng số đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp thì phải phân định hai loại hình này thành các chuyên mục riêng biệt theo nguyên tắc không xen lẫn nội dung với nhau;

- Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ chuyên ngành nếu cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 147/2024/NĐ-CP;

- Các cơ quan báo chí trong vòng 10 ngày sau khi thiết lập tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội trong và ngoài nước có trách nhiệm Thông báo thông tin với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, chịu trách nhiệm về các thông tin do cơ quan báo chí cung cấp đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Báo chí 2016 và các quy định của Nghị định 147/2024/NĐ-CP; tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đã được ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

Văn bản Thông báo nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) gửi Giấy xác nhận cho cơ quan báo chí theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Bãi bỏ các quy định sau:

- Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

- Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

- Điều 2 Nghị định 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]