Tải App trên Android

03 tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ từ 02/02/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
20/12/2024 12:00 PM

Sau đây là các tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ từ 02/02/2025 được quy định trong Nghị định 159/2024/NĐ-CP.

03 tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ từ 02/02/2025

03 tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ từ 02/02/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 18/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 159/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

03 tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ từ 02/02/2025

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 01/2019/NĐ-CP (sửa đổi khoản 8 Điều 1 Nghị định 159/2024/NĐ-CP) thì tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như sau:

- Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Cục Kiểm lâm đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý; thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý.

Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ có bộ phận giúp việc là Trạm Kiểm lâm.

- Tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ:

+ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở Vườn quốc gia;

+ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh có diện tích từ 15.000 héc-ta trở lên;

+ Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập ở khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 20.000 héc-ta trở lên.

- Căn cứ tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.

Còn theo quy định hiện hành thì tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 01/2019/NĐ-CP như sau:

Điều 11. Tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

- Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Kiểm lâm trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do trung ương quản lý; thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý.

- Tiêu chí thành lập Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ:

+ Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở Vườn Quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh có diện tích từ 15.000 héc-ta trở lên;

+ Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập ở khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 20.000 héc-ta trở lên.

- Căn cứ tiêu chí thành lập Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.

Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là gì?

Căn cứ tại khoản 2, 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 thì rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được quy định như sau:

- Rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:

+ Vườn quốc gia;

+ Khu dự trữ thiên nhiên;

+ Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;

+ Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

+ Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.

- Rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:

+ Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;

+ Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

Xem thêm Nghị định 159/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 02/02/2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]