Tải App trên Android

Tổng cục Thuế hướng dẫn trích khấu hao và phân bổ tài sản khi góp vốn vào chi phí được trừ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
20/12/2024 11:00 AM

Sau đây là bài viết về việc trích khấu hao và phân bổ tài sản khi góp vốn vào chi phí được trừ được Tổng cục Thuế hướng dẫn trong Công văn 5779/TCT-CS năm 2024.

Tổng cục Thuế hướng dẫn trích khấu hao và phân bổ tài sản khi góp vốn vào chi phí được trừ

Tổng cục Thuế hướng dẫn trích khấu hao và phân bổ tài sản khi góp vốn vào chi phí được trừ (Hình từ Internet)

Ngày 10/12/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5779/TCT-CS về Chính sách thuế.

Tổng cục Thuế hướng dẫn trích khấu hao và phân bổ tài sản khi góp vốn vào chi phí được trừ

Theo đó, việc trích khấu hao và phân bổ tài sản, công cụ và dụng cụ khi góp vốn vào chi phí được trừ được Tổng cục Thuế hướng dẫn trong Công văn 5779/TCT-CS năm 2024 như sau:

- Căn cứ quy định tại Điều 36 và Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014Luật Doanh nghiệp 2020;

- Căn cứ tại tiết g khoản 1 Điều 4 và Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;

- Căn cứ điểm b khoản 2.15 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hóa đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển;

- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định tài sản cố định được trích khấu hao tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp cần đảm bảo các quy định sau: tài sản cố định phải sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tài sản cố định phải có giấy tờ chứng minh được thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và tài sản cố định phải được quản lý, theo dõi, hạch toán kế toán hiện hành.

Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ không đáp ứng đủ điều xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008.

Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp

Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi 2013) bao gồm:

- Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi 2013), trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;

- Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính;

- Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;

- Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định;

- Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng;

- Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;

- Khoản trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật;

- Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật;

- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;

- Phần chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;

- Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động vượt mức quy định theo quy định của pháp luật;

- Các khoản chi của hoạt động kinh doanh: ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Xem thêm Công văn 5779/TCT-CS ban hành ngày 10/12/2024,

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]