Tổng cục Thuế hướng dẫn quản lý nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
14/12/2024 14:15 PM

Sau đây là nội dung hướng dẫn về quản lý nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế hướng dẫn quản lý nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

Tổng cục Thuế hướng dẫn c và địa điểm kinh doanh (Hình từ Internet)

Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5725/TCT-QLN ngày 06/12/2024 quản lý nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh gửi Cục Thuế TP Hà Nội.

Tổng cục Thuế hướng dẫn quản lý nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

Cụ thể, Tổng cục Thuế nhận được Công văn 29255/CTHN-QLN ngày 20/5/2024 của Cục Thuế thành phố Hà Nội báo cáo vướng mắc trong công tác đôn đốc, cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

(1) Về tạm hoãn xuất cảnh

- Tại Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và Điều 44 quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp;

- Tại khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh;

- Tại Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế 2019 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.

Căn cứ các quy định nêu trên thì chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Đối với trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 và Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP nêu trên.

Đối với trường hợp người nộp thuế là tổ chức không thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2020 và hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế đã báo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 trong đó quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã/ Liên hiệp hợp tác xã và chủ hộ kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

(2) Về đôn đốc đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

- Tại Điều 213 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như sau:

“1. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hoạt động liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

3. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật”.

- Tại khoản 5 Điều 67 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:

“5. Người nộp thuế có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động mà vẫn còn nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thì có trách nhiệm kế thừa các khoản nợ của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa, thanh toán các khoản nợ của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động. Cơ quan thuế quản lý chi nhánh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ của chi nhánh. Trường hợp cơ quan thuế quản lý chi nhánh không có đủ thông tin, điều kiện thực hiện cưỡng chế thì phối hợp với cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp để thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Việc phối hợp đôn đốc nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã chấm dứt hoạt động còn nợ thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Mục IV Phần II Quy trình Quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định 1129/QĐ-TCT ngày 20/7/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

(3) Về khoanh nợ đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Tại điểm 6.2 Công văn 1489/TCT-QLN ngày 24/4/2023 của Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn về việc xử lý khoanh nợ, xóa nợ đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp vẫn đang hoạt động thì không thực hiện khoanh nợ đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Xem thêm tại Công văn 5725/TCT-QLN ban hành ngày 06/12/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 194

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]