Đính chính văn bản quy phạm pháp luật sau khi đăng Công báo của Bộ Tài chính mới nhất (Hình từ Internet)
Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2829/QĐ-BTC về Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.
Theo quy định tại Điều 74 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024 thì việc đính chính văn bản quy phạm pháp luật sau khi đăng Công báo của Bộ Tài chính được thực hiện như sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật sau khi đăng Công báo, nếu phát hiện có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính kịp thời. Việc đính chính được thực hiện theo quy định tại Điều 94, Điều 130 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
- Ngay khi phát hiện văn bản có sai sót thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 74 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện đính chính văn bản. Cụ thể như sau:
+ Đối với thông tư, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm:
++ Chủ trì xây dựng dự thảo tờ trình, văn bản đính chính trình Bộ xem xét quyết định;
++ Ngay sau khi có ý kiến phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, trong thời hạn 01 ngày làm việc, đơn vị chủ trì có trách nhiệm thừa lệnh Bộ ký văn bản đính chính và tổ chức lưu hành văn bản đính chính.
+ Đối với nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm:
++ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung cần đính chính để trình Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
++ Phối hợp với các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để rà soát và xây dựng văn bản đính chính theo đúng quy định tại Điều 94 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
+ Đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm:
++ Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ về nội dung cần đính chính để trình Bộ trình Chính phủ có văn bản gửi Văn phòng Quốc hội đề xuất việc đính chính;
++ Phối hợp với các đơn vị chức năng của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp để rà soát và xây dựng văn bản đính chính theo đúng quy định tại Điều 94 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
- Văn bản quy phạm pháp luật có sai sót về thẩm quyền, nội dung thì không thực hiện đính chính. Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan trình Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020); Nghị định 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 154/2020/NĐ) và Nghị định 59/2024/NĐ-CP.
Xem thêm Quyết định 2829/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 27/11/2024 và thay thế Quyết định 72/QĐ-BTC năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính.