Giảm 04 ủy ban của Quốc hội và 01 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phương án sáp nhập dự kiến (Hình từ internet)
Cụ thể, theo phương án nghiên cứu sắp xếp bộ máy đối với một số cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đã đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động đối với một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng như sau:
- Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
- Sáp nhập Uỷ ban Xã hội và Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục.
- Sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
- Đồng thời, kết thúc hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại: chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các uỷ ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
- Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
- Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội;
- Nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
- Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
- Không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; các ủy ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện phương án này, giảm được 4 uỷ ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch.
Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ.
Quốc hội thành lập các cơ quan chuyên môn gồm:
- Hội đồng dân tộc;
- 9 Ủy ban, gồm:
+ Uỷ ban pháp luật;
+ Uỷ ban tư pháp;
+ Uỷ ban kinh tế;
+ Uỷ ban tài chính, ngân sách;
+ Uỷ ban quốc phòng và an ninh;
+ Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
+ Uỷ ban về các vấn đề xã hội;
+ Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường;
+ Uỷ ban đối ngoại;
Đoàn đại biểu Quốc hội gồm các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hợp thành;
Văn phòng Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội.