05 chính sách trong Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/12/2024 08:15 AM

Sau đây là 05 chính sách quan trong việc xây dựng Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mà Bộ Nội vụ đã nêu ra tại Tờ trình.

05 chính sách trong Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

05 chính sách trong Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

05 chính sách trong Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Cụ thể tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã đề ra 05 chính sách quan trọng như sau:

(1) Chính sách 1: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Mục tiêu của chính sách: Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.

Giải pháp thực hiện:

- Nghiên cứu, sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

- Nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật.

Theo đó sẽ nghiên cứu, sửa đổi toàn diện các điều, khoản tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành liên quan đến vị trí việc làm tại khoản 2 Điều 5 về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức; Điều 7 về giải thích khái niệm “vị trí việc làm”; Điều 12 về quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương; các quy định về cán bộ tại Chương III; các quy định tại Chương IV về công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện về phân loại công chức tại Điều 34 (phân loại công chức theo vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm mang tính thường xuyên, không mang tính thường xuyên; vị trí không gắn liền trực tiếp với hoạt động công vụ của tổ chức,…), tuyển dụng công chức tại Mục 2 từ Điều 35 đến Điều 41, bỏ các quy định liên quan đến ngạch công chức tại Mục 3 từ Điều 43 đến Điều 46 gồm các quy định về thay đổi vị trí việc làm, đào tạo bồi dưỡng theo vị trí việc làm tại Mục 4 từ Điều 47 đến Điều 49, các quy định về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm tại Mục 5 từ Điều 50 đến Điều 54, các quy định về đánh giá công chức tại Mục 6 từ Điều 55 đến Điều 58; đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quản lý cán bộ, công chức tại Chương VI theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác cán bộ.

(2) Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ

Mục tiêu của chính sách: Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thẩm quyền, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu.

Giải pháp thực hiện:

- Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ, những việc không được làm của cán bộ, công chức, như: (1) Quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ; (2) Nghĩa vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; (3) Nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; (4) Cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo; (5) Chính sách tạo sức hấp dẫn và sự lôi cuốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để “giữ chân” những người có năng lực, trình độ cao và phẩm chất đạo đức tốt “an tâm” công tác.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Điều 9 về nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ và các điều từ Điều 11 đến Điều 14 về quyền của cán bộ, công chức; nghiên cứu bổ sung 1 Chương về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

- Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, và những việc cán bộ, công chức không được làm. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu, từ đó làm cơ sở cho việc sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các điều từ Điều 15 đến Điều 17 về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức theo hướng bổ sung quy định về đạo đức công vụ với các tiêu chí đánh giá cụ thể; gắn với chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ.

(3) Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước

Mục tiêu của chính sách: Tập trung hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.

Giải pháp thực hiện:

- Hoàn thiện quy định về hồ sơ điện tử của cán bộ, công chức, trong đó bao gồm các thông tin liên quan từ khi được tuyển dụng đến khi không còn làm việc; quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu về cán bộ, công chức; công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin về cán bộ, công chức; quản lý lưu trữ thông tin, dữ liệu về cán bộ, công chức trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn.

- Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách của nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức (trong tổng thể cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức); thu thập và quản lý tập trung, thống nhất thông tin cơ bản về cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ khi được tuyển dụng đến khi không còn làm việc; tích hợp, chia sẻ dữ liệu cán bộ, công chức, tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm để tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.

- Vận hành, khai thác, quản lý, lưu trữ hồ sơ cán bộ, công chức trên môi trường điện tử (thay thế việc quản lý, lưu trữ hồ sơ giấy như hiện nay) để phục vụ công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý, tiến tới việc giám sát, kiểm tra “từ xa” của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, trường hợp phát hiện sai phạm, vi phạm có thể kiến nghị, đề xuất xử lý.

Theo đó, nghiên cứu, bổ sung quy định tại Chương VI của Luật về quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số; làm rõ nội hàm cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức; quy định cụ thể thẩm quyền, cách thức quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức.

(4) Chính sách 4: Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tiếp tục thể chế thành luật các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ mới ban hành chưa kịp thể chế

Mục tiêu của chính sách:

- Sửa đổi quy định về từ chức, miễn nhiệm đối với công chức quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng tại Điều 30 Quy định số 41-QĐ/TW.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về bố trí công tác đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật tại Điều 7 và Điều 82 Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

- Sửa đổi quy định về thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

- Sửa đổi quy định thẩm quyền quyết định biên chế công chức tại Điều 66 Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

- Sửa đổi quy định về khái niệm công chức tại Điều 4 để phù hợp Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(5) Chính sách 5: Thống nhất nền công vụ từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Mục tiêu của chính sách: Thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nhất nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

Giải pháp thực hiện:

- Bổ sung quy định nguyên tắc thực hiện thống nhất quản lý cán bộ, công chức trong cùng hệ thống theo chiều dọc và theo chiều ngang; quy định rõ điều kiện thực hiện và các điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, nghiên cứu, bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã tại Chương V và các quy định có liên quan.

- Nghiên cứu, rà soát, bổ sung vị trí việc làm, chế độ chính sách (tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thang bảng lương...) đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở đơn vị hành chính cấp xã.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 209

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]