Bộ Y tế hướng dẫn việc xét duyệt trúng thầu gói thầu mua thiết bị y tế, chia nhiều phần (Hình từ Internet)
Ngày 19/11/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn 7169/BYT-KHTC hướng dẫn việc xét duyệt trúng thầu gói thầu mua thiết bị y tế, chia nhiều phần.
Theo đó, đối với công tác xét duyệt trúng thầu gói thầu mua thiết bị y tế, chia nhiều phần được Bộ Y tế hướng dẫn trong Công văn 7169/BYT-KHTC năm 2024 như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu quy định:
“Điều 27. Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu
…
4. Đối với gói thầu chia phần, việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần; đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có).”
Thì đối với gói thầu chia phần, việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần; đối với gói thầu, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có).
Hiện nay, Bộ Y tế không có quy định riêng đối với việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu mua sắm thiết bị y tế, chia nhiều phần. Do đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu này thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP , Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT , Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT và hướng dẫn tại văn bản số 2325/QLĐT-CS năm 2024 của Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Trên đây ý kiến của Bộ Y tế, đề nghị Bệnh viện nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2021/NĐ-CP thì thiết bị y tế là các loại thiết bị, vật tư cấy ghép, dụng cụ, vật liệu, thuốc thử và chất hiệu chuẩn in vitro, phần mềm (software) đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:
- Được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau theo chỉ định của chủ sở hữu thiết bị y tế để phục vụ cho con người nhằm một hoặc nhiều mục đích sau đây:
+ Chẩn đoán, ngăn ngừa, theo dõi, điều trị và làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương, chấn thương;
+ Kiểm tra, thay thế, điều chỉnh hoặc hỗ trợ giải phẫu và quá trình sinh lý;
+ Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống;
+ Kiểm soát sự thụ thai;
+ Khử khuẩn thiết bị y tế;
+ Cung cấp thông tin cho việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị thông qua biện pháp kiểm tra các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể con người.
- Không sử dụng cơ chế dược lý, miễn dịch hoặc chuyển hóa trong hoặc trên cơ thể người hoặc nếu có sử dụng các cơ chế này thì chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt mục đích quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2021/NĐ-CP.
Xem thêm Công văn 7169/BYT-KHTC ban hành ngày 19/11/2024.