06 việc CSGT cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
28/11/2024 11:00 AM

Sau đây là 06 việc CSGT cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025 được quy định trong Thông tư 72/2024/TT-BCA.

06 việc CSGT cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025

06 việc CSGT cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 13/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

06 việc CSGT cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA thì các việc Cảnh sát giao thông cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ bao gồm:

- Tiếp nhận các công việc của bộ phận bảo vệ hiện trường;

- Xác định phạm vi hiện trường; vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết; nhận định hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn. Sử dụng máy camera được trang cấp để ghi hình lại toàn bộ khu vực hiện trường trước khi khám nghiệm;

- Xác định thành phần khám nghiệm: Tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn giao thông đường bộ để mời thành phần tham gia khám nghiệm cho phù hợp như: 

+ Cán bộ kỹ thuật hình sự; 

+ Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn, Trạm nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ;

+ Đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ; đại diện cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ hoặc cá nhân, tổ chức có chuyên môn (liên quan đến việc khám phương tiện cơ giới đường bộ);

+ Đại diện đơn vị quản lý đường bộ, đại diện đơn vị quản lý công trình, đại diện đơn vị chuyên môn kỹ thuật về công trình liên quan đến vụ tai nạn (đối với vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến công trình cầu, đường, hầm);

+ Đại diện cơ sở, doanh nghiệp (người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, lĩnh vực định giá tài sản) để xác định giá trị thiệt hại ban đầu về tài sản;

+ Người chứng kiến; 

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia khám nghiệm;

- Chọn phương pháp khám nghiệm; xác định chiều hướng khám nghiệm phù họp; xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn để định vị vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết. Vật chuẩn phải có tính bền vững theo thời gian, vị trí, dễ nhận biết, thuận lợi cho việc đo, vẽ sơ đồ hiện trường;

- Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ, máy quét hiện trường (nếu có) để phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.

Lưu ý: Tai nạn giao thông đường bộ là va chạm liên quan đến người, phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, xảy ra ngoài ý muốn của người tham gia giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức. (Theo khoản 12 Điều 12 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)

Nội dung điều tra, giải quyết đối với tai nạn giao thông đường bộ chưa xác định có dấu hiệu tội phạm từ 01/01/2025

Đối với tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm, việc điều tra, giải quyết thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự. Đối với tai nạn giao thông đường bộ chưa xác định có dấu hiệu tội phạm thì nội dung điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại khoản 12 Điều 83 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024) bao gồm :

- Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ;

- Khám nghiệm hiện trường, phương tiện, tử thi, công trình đường bộ liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; thu thập thông tin, dữ liệu; xác định hậu quả thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông đường bộ gây ra;

- Tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của người điều khiển, phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

- Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người bị nạn, người làm chứng và những người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông đường bộ;

- Xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn; kiểm tra, xác minh điều kiện của phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ; kiểm tra hành khách, hàng hóa vận chuyển và các loại giấy tờ khác có liên quan;

- Truy tìm phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn;

- Giám định chuyên môn; dựng lại hiện trường;

- Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Tai nạn giao thông được phân loại thế nào? Xây dựng Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông gồm các hoạt động nào?

Xem thêm Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và thay thế Thông tư 63/2020/TT-BCA.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 327

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]