Từ 01/01/2025, nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa (Hình từ internet)
Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025.
Cụ thể, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 82,87 km2, quy mô dân số là 101.272 người của huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Sau khi nhập, thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên là 228,22 km2 và quy mô dân số là 615.106 người.
Thành phố Thanh Hóa giáp thành phố Sầm Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Nông Cống, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Triệu Sơn.
Ngoài ra, Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH năm 2024 cũng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thanh Hóa như sau:
- Thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,96 km2 và quy mô dân số là 11.918 người của thị trấn Rừng Thông.
Phường Rừng Thông giáp các phường Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Thịnh và các xã Đông Khê, Đông Tiến, Đông Thanh;
- Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,38 km2 và quy mô dân số là 7.630 người của xã Đông Thịnh.
Phường Đông Thịnh giáp phường Đông Tân, phường Rừng Thông và các xã Đông Khê, Đông Minh, Đông Văn, Đông Yên;
- Thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,30 km2 và quy mô dân số là 8.954 người của xã Hoằng Quang.
Phường Hoằng Quang giáp các phường Đông Hải, Hoằng Đại, Long Anh, Nam Ngạn, Quảng Hưng và huyện Hoằng Hóa;
- Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,67 km2 và quy mô dân số là 7.491 người của xã Hoằng Đại.
Phường Hoằng Đại giáp phường Hoằng Quang, phường Quảng Hưng và huyện Hoằng Hóa;
- Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,87 km2, quy mô dân số là 16.152 người của phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn. Sau khi nhập, phường Phú Sơn có diện tích tự nhiên là 2,70 km2 và quy mô dân số là 33.359 người.
Phường Phú Sơn giáp các phường An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Thọ, Đông Vệ, Lam Sơn và Ngọc Trạo.
Sau khi sắp xếp, thành phố Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường: An Hưng, Ba Đình, Điện Biên, Đông Cương, Đông Hải, Đông Hương, Đông Lĩnh, Đông Sơn, Đông Tân, Đông Thịnh, Đông Thọ, Đông Vệ, Hàm Rồng, Hoằng Đại, Hoằng Quang, Lam Sơn, Long Anh, Nam Ngạn, Ngọc Trạo, Phú Sơn, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Tào Xuyên, Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Trường Thi, Rừng Thông và 14 xã: Đông Hòa, Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Minh, Đông Nam, Đông Ninh, Đông Phú, Đông Quang, Đông Thanh, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Yên, Đông Vinh và Thiệu Vân
Bên cạnh đó, Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH năm 2024 còn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung, Thạch Thành, Triệu Sơn, Yên Định.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 1238/NQ-UBTVQH có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Kể từ ngày 01/01/2025, tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 22 huyện, 02 thị xã và 02 thành phố; 547 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 452 xã, 63 phường và 32 thị trấn.
Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã) theo Điều 2 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 như sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
- Chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
- Chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
- Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.