Phụ lục Nghị định 147/2024 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (thay thế Nghị định 72/2013)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
11/11/2024 11:46 AM

Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Phụ lục Nghị định 147/2024 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Dưới đây là Phụ lục Nghị định 147/2024/NĐ-CP

Phụ lục Nghị định 147

Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 và thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Phụ lục Nghị định 147/2024 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Phụ lục Nghị định 147/2024 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

Các nội dung đề xuất bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013

Theo Tờ trình ngày 17/7/2023, các nội dung đề xuất bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 bao gồm:

1. Bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.

Tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.

Thực tế quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng nên để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng,  cơ quan soạn thảo thấy cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước.

2. Bổ sung quy định không cấp phép cho dòng game bài giải trí.

Game bài giải trí là trò chơi điện tử trên mạng không đổi thưởng, có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài. Qua thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, cơ quan soạn thảo nhận thấy dòng game bài giải trí dù cấm đổi thưởng vẫn rất dễ bị lợi dụng, biến tướng thành cờ bạc, đổi thưởng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tác động xấu đến thế hệ trẻ, trong khi các giải pháp quản lý hiện tại chưa bảo đảm khả năng giám sát hiệu quả việc biến tướng thành hoạt động cờ bạc bên ngoài game. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã duy trì chủ trương tạm dừng cấp phép đối với dòng game bài giải trí (không đổi thưởng).

Ngày 09/6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa, đấu tranh hoạt động cung cấp trò chơi điện tử cờ bạc trên mạng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các quy định về việc dừng hẳn cấp phép dòng game bài giải trí vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CPNghị định số 27/2018/NĐ-CP đang được Bộ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ.

Ngày 30 tháng 6 năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu thực hiện theo kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã cụ thể hóa chủ trương nêu trên bằng việc bổ sung quy định: không cấp phép đối với trò chơi điện tử trên mạng có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài vào dự thảo Nghị định thay thế.

3. Đơn giản hóa điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng

Ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1994/QĐ-TTg Phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2020-2025, trong đó có phương án bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính về cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng và cấp chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

Vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ trình Chính phủ tại Tờ trình số 119/TTr-BTTTT ngày 29/12/2021, cơ quan soạn thảo đã thực hiện việc bỏ các điều kiện về kỹ thuật, thủ tục liên quan đến cấp giấy phép G1, cấp giấy chứng nhận G2, G3, G4 và chỉ giữ lại thủ tục cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 (đối với từng game) nhưng có điều chỉnh tên của thủ tục thành giấy phép phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng đối với từng game; cấp giấy xác nhận thông báo đối với G2, G3, G4 nhưng có điều chỉnh tên của thủ tục thành giấy chứng nhận đăng ký phát hành G2, G3, G4, đồng thời có bổ sung các điều kiện về kỹ thuật trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phát hành game G1 và cấp giấy chứng nhận đăng ký phát hành G2, G3, G4.

Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, cơ quan soạn thảo nhận thấy mặc dù dự thảo Nghị định đã cắt bỏ, không quy định các điều kiện, thủ tục liên quan đến cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 và Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2,G3, G4 trên mạng nhưng lại gộp các điều kiện này vào hồ sơ cấp Giấy phép phát hành đối với từng game tại dự thảo Nghị định. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải kê khai lặp đi lặp lại về các điều kiện về tài chính, nhân sự, kỹ thuật, hệ thống thanh toán phục vụ việc phát hành game, trong khi đó đối với các quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp chỉ phải khai báo 01 lần. Như vậy, vô hình chung sẽ lại tăng thêm điều kiện, làm phát sinh thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo nhận thấy việc tiếp tục duy trì 02 loại giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, gồm: Giấy phép/Giấy chứng nhận cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G1/G2,G3, G4 (giúp cơ quan quản lý tiền kiểm điều kiện hạ tầng, kỹ thuật của doanh nghiệp) và Quyết định/Giấy xác nhận phát hành cho trò chơi G1/G2,G3,G4 để thẩm định, kiểm ra nội dung, kịch bản của trò chơi trước khi phát hành ra thị trường (sau khi doanh nghiệp đã có giấy phép/giấy chứng nhận) sẽ phù hợp hơn với thực tế quản lý nhà nước hiện nay.

Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất vẫn giữ nguyên quy định cấp 02 loại Giấy phép như hiện nay, nhưng có chỉnh sửa, loại bỏ một số điều kiện để vẫn đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1994/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh việc phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan soạn thảo đã triển khai thực hiện việc phân cấp các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử theo đúng phương án đã được phê duyệt tại mục C. Phụ lục XIV.

Tại dự thảo Nghị định thay thế, cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung quy định về phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương thực hiện các thủ tục hành chính về cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận phát hành cho trò chơi G2, G3, G4 trên mạng để tăng cường và nâng cao vai trò quản lý của địa phương đối với lĩnh vực này.

4. Bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, Luật An ninh mạng (điểm b khoản 2 Điều 26) mới chỉ quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trong thời gian 24 giờ kể từ khi có yêu cầu từ Bộ Công an. Tuy nhiên với thông tin vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo cần bổ sung quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước phải ngăn chặn, gỡ bỏ ngay các nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các trang thông tin điện tử, ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ.

Do đó, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần thiết bổ sung quy định này để tăng hiệu lực, hiệu quả xử lý đối với nội dung thông tin xấu độc trên mạng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

5. Bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung

Bên cạnh việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.

6. Bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật

Qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

7. Bổ sung quy định về quản lý livestream

Hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.

Thực tế cho thấy, đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này, bao gồm:

- Chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream);

- Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

8. Bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội

Hiện nay, trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Tiktok đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoạn; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, cụ thể:

- Mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình để người dùng được biết và cân nhắc sử dụng (đây là một trong những tính năng của sản phẩm, các mạng xã hội cần phải minh bạch hóa tính năng sản phẩm khi cung cấp đến người dùng);

- Mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng;

- Bổ sung quy định bảo vệ trẻ em khi sử dụng Mạng xã hội.

9. Bổ sung quy định các MXH phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông

Hiện nay, một trong các chức năng trong công tác quản lý nhà nước trên mạng Internet là giám sát được các nội dung công cộng cung cấp trên mạng Internet để có thể phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nội dung vi phạm pháp luật và bảo vệ người dùng khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ. Do đó, cần phải có công cụ để rà quét, tìm kiếm nội dung, nhất là trên các mạng xã hội xuyên biên giới cung cấp tại Việt Nam.

Trong dự thảo Nghị định thay thế, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng mạng xã hội của mình theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên không gian mạng.

10. Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng

Hiện nay, trên mạng Internet tồn tại nhiều thông tin tiêu cực, vi phạm pháp luật như: Tin giả, thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân; quảng cáo sai sự thật; nội dung vi phạm bản quyền… Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do: nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động quản lý hoạt động chuyên ngành, lĩnh vực của mình trên không gian mạng; chưa chủ động kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí để xác minh, phản bác tin giả, thông tin xấu độc, dập tắt tin đồn vô căn cứ.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý không gian mạng, đảm bảo nguyên tắc bộ, ngành, địa phương quản lý việc gì trong đời thực thì cũng phải quản lý việc đó trên không gian mạng. Nhiều bộ, ngành, địa phương cùng chung tay rà quét, xử lý thông tin vi phạm sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn nếu chỉ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tự rà quét, tự xử lý.

11. Không quy định nội dung liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP để chuyển sang dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và Nghị định mới hướng dẫn Luật Viễn thông.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó đã có quy định hướng dẫn về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu. Theo kế hoạch, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất không quy định nội dung liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP để chuyển sang dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và Nghị định mới hướng dẫn Luật Viễn thông để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,817

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]