“Bầu” Kiên thách đố VKS tìm được Kiên đã sai chỗ nào (!?)

30/05/2014 13:48 PM

“Tôi không có bất kỳ một chỉ đạo nào mua cổ phiếu ACB. Tôi đã nói với điều tra viên rằng, hãy chỉ cho tôi xem tôi đã chỉ đạo ai và chỉ đạo như thế nào và nếu chỉ ra được tôi nhận tội ngay, nhưng CQĐT đã không làm điều đó... Nếu VKS và HĐXX chỉ ra được tôi đã sai ở điều khoản nào, tôi xin nhận ngay tội danh, không cần tranh luận” – đó là tuyên bố của Nguyễn Đức Kiên tại phiên xét xử ngày 29.5.

ACB bị cưỡng bức thành nguyên đơn dân sự?

Trong phiên xét xử ngày 29.5, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ACB, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án như kết luận của VKS. Theo luật sư Trương Thanh Đức thì ACB chưa có thiệt hại bởi ACB đã có công văn gửi đến các cơ quan tố tụng khẳng định không bị thiệt hại khoản tiền 687,7 tỉ đồng liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu. Đối với khoản tiền 718,9 tỉ đồng gửi tại VietinBank, luật sư Đức cho rằng, ACB đang khởi kiện yêu cầu VietinBank hoàn trả. Do đó, chưa thể xác định ACB bị thiệt hại số tiền này.

“Bầu” Kiên thách đố VKS tìm được Kiên đã sai chỗ nào (!?)

Luật sư Đức khẳng định, ACB không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, không đủ điều kiện là nguyên đơn tự nguyện, vì vậy không thể bắt ACB trở thành nguyên đơn trong vụ án này.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, với số tiền 718,9 tỉ đồng của ACB gửi vào Vietinbank thì Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả. Theo luật sư Đức, số tiền đó đã được Vietinbank hạch toán vào hệ thống của Vietinbank và tài khoản hợp pháp của khách hàng. 

“Điều này đã được thể hiện tại biên bản làm việc ngày 28.11.2011 tại trụ sở Vietinbank TPHCM giữa Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ CA với Vietinbank TPHCM do ông Nguyễn Hoàng Dũng- Phó Tổng GĐ kiêm GĐ chi nhánh làm đại diện” – ông Đức khẳng định. 

“Giao dịch gửi tiền thật, người gửi thật, hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật, tài khoản thật, tiền gửi thật, ngân hàng nhận thật. Ngân hàng đã nhận tiền thật vào tài khoản và quỹ két của mình thì phải có trách nhiệm trả lại tiền thật cho khách hàng. 

Việc mất tiền sau này là hoàn toàn do nội bộ Vietinbank tự gây nên, nhưng đã đẩy hết cho khách hàng gánh chịu hậu quả. ACB đã, đang và sẽ tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải trả lại 718,9 tỉ đồng theo đúng quy định tại khoản 8, Điều 12 về “Trách nhiệm của ngân hàng”, “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD”” luật sư Đức kết luận.

Đáp lại quan điểm của luật sư Đức, luật sư Nguyễn Thái Dũng - bảo vệ cho Vietinbank - lại cho rằng, ACB yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả 718,9 tỉ đồng là không có căn cứ. ACB đã bị thiệt hại 718,9 tỉ là do lỗi của ACB và nhân viên nhận ủy thác của ACB đã tạo cơ hội cho Huyền Như lừa đảo. 

“ACB và các nhân viên này đã không tuân thủ pháp luật về hoạt động ủy thác gửi tiền. Không có bất cứ quy định nào cho phép tổ chức tín dụng được ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Hành vi trên là hành vi làm trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt và đã gây thiệt hại 718 tỉ cho ACB” - luật sư Dũng khẳng định.

Nguyễn Đức Kiên đã cứu Trần Đình Long?

Đến phần trình bày bổ sung quan điểm bào chữa của các luật sư, các bị cáo đều khẳng định không có hành vi phạm tội. Bị cáo Lý Xuân Hải khẳng định, không phải là người đề xuất việc ủy quyền cho các nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank. 

“Cáo trạng cáo buộc như vậy là không đúng bởi tôi thực hiện nghị quyết của HĐQT " – Lý Xuân Hải biện bạch. Bị cáo Phạm Trung Cang cũng cho rằng, thời điểm mà cáo trạng quy kết, Cang đã từ nhiệm nên không tham gia bất cứ cuộc họp nào của HĐQT nên quy kết việc cùng HĐQT quyết định cho các nhân viên mang tiền đi gửi là không có căn cứ.

Đến lượt mình, Nguyễn Đức Kiên đã viện dẫn từng điều luật để bác bỏ cáo buộc của VKS với từng tội danh của mình. Bị cáo cho rằng, mình không kinh doanh trái phép và không ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ vì toàn bộ hoạt động là góp vốn theo Luật DN. 

“Tôi thành lập và điều hành gần 100 DN, có những DN do Bộ KHĐT cấp phép trên cơ sở cho phép của Thủ tướng và vẫn đang thực hiện việc đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu của các DN khác, vậy sao chỉ quy kết 6 DN này làm trái? Việc đầu tư của tôi giống như hàng trăm, hàng ngàn DN trên VN vẫn đang làm vậy tôi đề nghị VKS tranh luận lại xem tôi kinh doanh trái phép ở đâu? – Nguyễn Đức Kiên lập luận. 

Đối với tội danh “lừa đảo”, bị cáo biện hộ: “Trong 4 tội danh, quy kết tôi tội này làm tôi buồn nhất bởi như vậy khiến những người không biết bản chất sự việc đánh giá sai về tôi. Tôi có thể mất tiền nhưng tôi không thể mất danh dự. Việc này là tôi giúp bạn bè chứ không vì mục đích gì khác”.

Bị cáo đưa ra 6 luận điểm để khẳng định rằng, Hòa Phát đã hoàn toàn biết trước việc cổ phiếu đã thế chấp đồng thời đã có những chỉ đạo để bảo toàn vốn cho Hòa Phát và Hòa Phát không kiện, không tố cáo để bác bỏ cáo buộc của VKS. 

“Hòa Phát từ chỗ là một Cty bé nhỏ, từ khi anh Long, anh Dương có quan hệ với tôi, với ACB, chúng tôi đã giúp đỡ để Hòa Phát đã trở thành tập đoàn lớn mạnh vì thế chẳng có lý gì tôi phải lừa Hòa Phát. Hơn thế nữa khi CQĐT nói với tôi rằng các anh hoàn toàn biết cổ phiếu đã thế chấp. Tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng để không đẩy bạn bè ở Tập đoàn Hòa Phát phải rơi vào vòng lao lý”. Bị cáo Kiên khẳng định.

(Theo Báo lao động)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,348

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn