Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng lá thuốc lá đã tách cọng nhập khẩu (Hình từ Internet)
Ngày 11/10/2024, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4934/TCHQ-TCNK về Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu
Theo đó, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng lá thuốc lá đã tách cọng nhập khẩu được Tổng cục Hải quan hướng dẫn tại Công văn 4934/TCHQ-TCNK năm 2024 như sau:
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
“Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”.
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì:
- Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:
“Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”.
- Khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:
“Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu”
thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Khoản 3 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:
“Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 209/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng:
“Đối với các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác”.
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:
“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác”.
Theo đó, trường hợp Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai mua nguyên liệu thuốc lá theo loại hình A12 của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được chỉ định nhận hàng từ Công ty cổ phần Đồng Việt Thành thì thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và chính sách thuế GTGT mặt hàng lá thuốc lá đã tách cọng khi nhập khẩu tại chỗ được xác định như sau: nếu được xác định chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; nếu đã qua chế biến, thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 10%.
Xem thêm Công văn 4934/TCHQ-TCNK ban hành ngày 11/10/2024.