Bảng lương theo vị trí việc làm khác gì so với bảng lương hiện nay?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
11/10/2024 09:45 AM

Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ áp dụng bảng lương mới theo vị trí việc làm. Dưới đây là những điểm khác nhau giữa bảng lương theo vị trí việc làm và bảng lương đang áp dụng hiện nay.

Bảng lương theo vị trí việc làm khác gì so với bảng lương hiện nay? (Hình từ internet)

1. Bảng lương theo vị trí việc làm là gì?

Đối với công chức, vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. (Khoản 3 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008)

Còn đối với viên chức, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Điều 7 Luật Viên chức 2010)

Từ các định nghĩa trên có thể hiểu, bảng lương theo vị trí việc làm là bảng lương căn cứ vào từng chức danh, chức vụ của công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng.

2. Bảng lương theo vị trí việc làm khác gì so với bảng lương hiện nay?

Bộ Chính trị đã nêu quan điểm xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018

Trong đó, những điểm khác biệt giữa bảng lương theo vị trí việc làm và bảng lương hiện nay như sau: 

(1) Bảng lương theo vị trí việc làm không còn hệ số và mức lương cơ sở

Theo Thông tư 7/2024/TT-BNV tiền lương cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang được tính dựa trên hệ số lương và mức lương cơ sở.

Trong khi đó, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ một trong những yếu tố cụ thể để xác định bảng lương mới đó là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

(2) Quản lý, lãnh đạo có bảng lương riêng theo vị trí việc làm

Theo Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, thì cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang được áp dụng 05 bảng lương sau đây:

Bảng 01: Bảng lương chuyên gia cao cấp.

Bảng 02: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và công chức ở xã, phường, thị trấn).

Bảng 03: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Bảng 04: Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Bảng 05: Bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Đồng thời, theo Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP các chức vụ lãnh đạo được xếp lương và phụ cấp theo nguyên tắc: 

- Cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thuộc ngành Tòa án, ngành Kiểm sát thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó.

- Cán bộ giữ chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đang đảm nhiệm.

- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó. 

Có thể thấy, hiện nay các cấp quản lý, lãnh đạo của nhiều cơ quan đang xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng bảng lương riêng và không còn hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Cụ thể, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bằng số tiền cụ thể, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Trong đó, bảng lương mới áp dụng cho các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã xây dựng theo nguyên tắc sau: 

- Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất;

- Giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;

- Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương;

- Không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.

- Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

Còn đối công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức xây dựng theo nguyên tắc:

- Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;

- Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Như vậy, có thể thấy cải cách tiền lương sẽ xây dựng 02 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống 05 bảng lương hiện hành của công chức viên chức.

3. Khi nào thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm?

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 từ 01/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Tuy nhiên, tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị có nêu rõ Việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện;

Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. 

Theo đó, Bộ Chính trị đã có yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện  Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Như vậy, từ 01/7/2024 sẽ chưa áp dụng bảng lương mới theo vị trí việc làm, do việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện;

Đồng thời việc thực hiện bảng lương mới theo vị trí việc làm sau năm 2026 hiện mới chỉ dừng ở chủ trương của Bộ Chính trị, cần xem xét thêm nhiều yếu tố về tính khả thi, về sự phù hợp hoặc sau khi thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị thì mới thực hiện được.

Do đó, cần phải theo dõi các văn bản mới nhất của các Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ, ban, ngành liên quan về vấn đề này để cập nhật mới nhất quy định liên quan đến cải cách tiền lương. 

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,058

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]